462/473 đại biểu có mặt tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. |
Kể từ ngày 1/1/2022, các điều khoản sửa đổi và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương thực hiện 3 nhiệm vụ sau đây.
Một là, xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hai là, hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Ba là, định kỳ 05 năm, rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước”.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê cũng sửa đổi quy định đối với người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh.
Cụ thể, Luật quy định người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh sẽ công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia thì phải thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ với cơ quan thống kê trung ương trước khi công bố.
Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được sửa đổi, bổ sung từ 20 thành 21 nhóm và từ 222 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu, trong đó bổ sung 10 chỉ tiêu, trong đó đã bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh về chất lượng; bỏ 4 chỉ tiêu và tách 2 chỉ tiêu thành các chỉ tiêu độc lập.
Trong 10 chỉ tiêu mới bổ sung có chỉ tiêu về cơ cấu loại đất, diện tích từng loại đất, diện tích và cơ cấu mặt nước, diện tích và cơ cấu đất ở đô thị, diện tích và cơ cấu đất nông thôn, diện tích và cơ cấu đất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thống kê đất ở và đất sản xuất, tỷ lệ người cao tuổi, dân số trẻ em; Tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, số lao động trong độ tuổi thanh niên, người lao động dân tộc thiểu số thiếu việc làm, tỷ lệ người lao động thiểu số phi nông nghiệp, số lao động nữ có việc làm trong nền kinh tế, tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo, chỉ tiêu về bình đẳng giới, chỉ tiêu về bình đẳng giới trong các chỉ tiêu như tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm, tỷ lệ lao động được đào tạo, chỉ tiêu về nữ trong các thành phần kinh tế, tỷ lệ nữ tham gia việc làm bền vững...
Điểm đặc biệt là mặc dù Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng điều khoản chuyển tiếp quy định chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm cho phép tiếp tục thực hiện những công việc còn đang dang dở theo quy định của Luật Thống kê hiện hành.
Trong đó, sang năm 2022 phải rà soát, đánh giá lại, công bố chính thức số liệu một số chỉ tiêu của năm 2021 (trước đó là ước tính); để thực hiện thu thập thông tin của chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật Thống kê hiện hành...
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần có đủ thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung, trong đó có việc ban hành Nghị định quy định cụ thể khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp… của 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia mới
Bên cạnh đó, để thu thập thông tin theo Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới thì cần phải xây dựng Chương trình điều tra thống kê quốc gia (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia (Nghị định của Chính phủ). 2 văn bản này dự kiến ban hành vào quý II và quý III năm 2022 để thực hiện từ ngày 1/1/2023.