Với bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 129 ca, tăng 45 ca so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 28 quận, huyện, thị xã; trong đó một số nơi có nhiều bệnh nhân là Hà Đông 14 ca, Đông Anh và Hoàng Mai mỗi nơi 10 ca.
Ca mắc sởi, tay chân miệng, ho gà tại Hà Nội thời gian qua tăng. |
Cộng dồn đến nay, thành phố ghi nhận 1.184 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng hơn 500 ca so với cùng kỳ năm 2023.
Bệnh ho gà trong tuần có 15 ca mắc tại 13 quận, huyện, thị xã (Sóc Sơn và Nam Từ Liêm mỗi nơi ghi nhận 2 ca mắc; Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Sơn Tây, Thanh Xuân, Thanh Oai, Ba Vì, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất đều ghi nhận 1 ca mắc), tăng 12 ca so với tuần trước (3/0).
Cộng dồn 2024 là 78 trường hợp mắc tại 21 quận, huyện, thị xã. Trong đó bệnh nhân là trẻ em dưới 4 tháng tuổi chiếm 77%, chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 77%.
Ngoài ra, trong tuần qua thành phố ghi nhận một ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2024. Đó là trường hợp bệnh nhân nam (22 tuổi, địa chỉ thị xã Sơn Tây), khởi phát bệnh ngày 3/5 với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém kèm sốt (không rõ nhiệt độ), có cơn rét run.
Ngày 5/5, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, cơn 1-2 phút, trong cơn mất ý thức, tiểu không tự chủ. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105, chẩn đoán theo dõi viêm não, màng não chưa loại trừ não mô cầu, được thở oxy, chống co giật, kháng sinh, sau đó chuyển Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng sốt cao 39 độ, lơ mơ, Kernig+, cứng gáy. Xét nghiệm Realtime PCR dịch não tủy, máu và nhày họng cho kết quả dương tính với não mô cầu.
Để phòng chống dịch, Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phòng, chống dịch trong tuần tới, Sở Y tế Hà Nội đề nghị trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trạm y tế căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu UBND xã, phường, thị trấn chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trên địa bàn, lưu ý các khu vực nguy cơ cao, khu vực ổ dịch cũ diễn biến phức tạp.
Chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại các quận, huyện: Tây Hồ, Gia Lâm, Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên.
Thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Tổ chức điều tra, xử lý kịp thời, triệt để ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để các ổ dịch bùng phát rộng. Thường xuyên rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh và báo cáo số liệu ca bệnh, ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh dại, đồng thời triển khai thực hiện các hoạt động liên ngành về phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Trên phạm vi cả nước, tại nhiều nơi dịch bệnh cũng có xu hướng tăng. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, dịch bệnh năm 2024 sẽ phức tạp hơn so với năm 2023 nếu không chủ động các biện pháp phòng, chống. Do đó, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần chủ động trong cả nguồn lực, chủ động trong giám sát, dự phòng để dự báo sớm, nhận định đúng tình hình…
Còn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao.
Các chuyên gia cảnh báo, vừa qua, ở những nơi điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có điều kiện tiếp cận vắc-xin dịch vụ, lại bị trì hoãn tiêm vắc-xin miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, thì có thể dẫn đến nguy cơ tạo ra “khoảng trống miễn dịch”, kéo theo nhiều dịch bệnh nguy hiểm quay trở lại.
Bài học thấy rõ là trong giai đoạn dịch Covid-19, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn khiến dịch bệnh xảy ra ở một số nơi, trong đó có dịch bạch hầu xuất hiện tại các tỉnh Hà Giang và Điện Biên.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, không chỉ người dân cần thay đổi nhận thức về vắc-xin, chủ động phòng bệnh bằng vắc-xin, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có nhiều giải pháp để cung ứng đủ vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và dịch vụ.
Về nguyên nhân dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế một phần là do vấn đề tiêm vắc-xin còn "khoảng trống", miễn dịch cộng đồng giảm, dịch bệnh gia tăng.
Ngành Y tế cần khuyến cáo tuyên truyền cho người dân hiểu biết các biện pháp phòng bệnh, bệnh nào có công thức để phòng bệnh đó. Bệnh hô hấp phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng; bệnh tiêu hóa thì ăn chín uống chín, rửa tay xà phòng; bệnh do tiếp xúc trực tiếp phải vệ sinh thân thể sạch sẽ, cách ly với người bị nhiễm bệnh, trẻ nhỏ cho nghỉ học khi bị bệnh;
Người nhiễm bệnh không nên tiếp xúc với người khác, nếu người lành tiếp xúc với người nghi ngờ thì phải dự phòng đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng. Bệnh chân tay miệng lây theo đường tiêu hóa, nên phải rửa dụng cụ để không lây cho trẻ qua đường ăn uống.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tiêm vắc-xin đầy đủ những mũi cơ bản và tuân thủ tiêm nhắc lại. Thời gian qua do thiếu vắc-xin vì dịch Covid-19 thì hiện nay và thời gian tới cần phải tiêm vét, tiêm bù.
Về việc nhiều trẻ đã tiêm đủ mũi vắc-xin nhưng vẫn có thể mắc bệnh theo ông Phu, là chuyện khá bình thường vì vắc-xin đạt hiệu quả ở mức độ nhất định.
Sở dĩ như vậy là bởi tác dụng của vắc-xin cao nhất chỉ đạt hiệu quả 90%, còn 10% vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, chưa kể có vắc-xin chỉ đạt hiệu quả 70-80%. Nhưng người đã tiêm vắc-xin phòng bệnh, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.
Đặc biệt, với vắc-xin phải tiêm nhắc lại, người dân cần ghi nhớ lịch để tiêm đủ mũi, đủ liều. Ngoài ra y tế các địa phương cần rà soát danh sách trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì vận động để phụ huynh đưa con đi tiêm vét để hạn chế tối đa các "khoảng trống" tiêm chủng.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, trong đó có các bệnh như sởi, ho gà, cúm gia cầm...
Được biết, Bộ Y tế đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh từ tháng 4 đến tháng 5/2024 tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Định, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Phú Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Kon Tum.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, theo quy luật hằng năm, tháng 4, tháng 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng. Do đó, thời gian tới, số ca mắc và số ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết hằng năm cũng sẽ gia tăng khi bắt đầu vào mùa hè.
Y học ngày càng phát triển với nhiều loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả cao. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của Hệ thống Safpo/Potec chia sẻ, hiện một số người cho rằng, tiêm chủng vắc-xin chỉ dành cho trẻ em, nhưng điều này không đúng. “Với người lớn, tiêm chủng vắc-xin cũng rất quan trọng, để bảo vệ sức khỏe, tránh được nhiều bệnh tật nguy hiểm”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải nói.
Người lớn cần tiêm nhiều loại vắc-xin để bảo vệ bản thân trước các bệnh truyền nhiễm mà cơ thể chưa có miễn dịch. Ngoài ra, cũng cần tiêm nhắc lại một số vắc-xin đã được tiêm lúc nhỏ như vắc-xin phòng bệnh ho gà, uốn ván, viêm gan B…, vì hiệu lực bảo vệ của các vắc-xin này sẽ bị suy giảm theo thời gian.
Trước đây, trên thị trường không có nhiều loại vắc-xin dành cho người lớn, do các nhà sản xuất chưa quan tâm đến việc phòng bệnh cho người lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, ngay tại Việt Nam đã có nhiều vắc-xin mới dành cho người lớn như vắc-xin phòng các bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu khuẩn; vắc-xin phòng bệnh viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng tim, viêm phổi do não mô cầu khuẩn; vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung; vắc-xin phòng bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà, vắc-xin phòng bệnh viêm gan A, viêm gan B; vắc-xin phòng bệnh sởi - quai bị - rubella; vắc-xin phòng bệnh thủy đậu.