Phiên hiến kế phát triển du lịch lại tập trung quá nhiều vào làm sao giải quyết điểm nghẽn về visa du lịch. |
Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty hàng không Ngôi Sao Việt, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) thẳng thắn cho rằng, số người Việt Nam sang Thái Lan năm 2018 là 1 triệu người và visa là yếu tố quan trọng với du lịch.
“Chúng tôi đã từng tiếp thị với rất nhiều khách có mức chi trả cao đến Việt Nam. Nhưng câu hỏi thường trực của khách là tại sao Việt Nam không miễn visa cho chúng tôi trong khi nhiều nước miễn. Đây là vấn đề nhận được quan tâm hàng đầu trong chính sách phát triển du lịch của các nước”, ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao thì cho rằng, qua các nghiên cứu tổng kết, từ khi miễn thị thực đơn phương cho các nước đến nay, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam. Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực.
Bà Phương Lan cũng phản bác lại ý kiến cho rằng, xếp hạng thị thực Việt Nam ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh du lịch.
“Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thị thực chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá độ mở với quốc tế, không hoàn toàn quyết định năng lực cạnh tranh của một nước. Ví dụ những quốc gia như Tây Ban Nha, Nhật Bản hay Mỹ có năng lực cạnh tranh về du lịch xếp hạng cao dù chính sách miễn thị thực không quá cởi mở”, bà Lan nói.
Phản biện lại ý kiến này, ông Ngô Minh Đức, Tổng giám đốc AG Travel khẳng định, visa là hình thức tiên quyết để phát triển. Ông Đức cũng cho rằng, mặc dù evisa là tín hiệu tích cực, nhưng chính sách này vẫn cần tính tới mở thế nào, đặc biệt các thị trường thu nhập cao như Australia, Bắc Mỹ...
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel khẳng định: “Nếu muốn phát triển du lịch, chúng ta cần có chính sách mở hơn về visa. Trong đó, vấn đề visa linh hoạt cần được xem xét để cấp theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, SEAGames, Festival Huế, Đại lễ Vesak diễn ra vào tháng 5/2019...”.
Ông Kỳ cũng đồng tình ý kiến nhiều thị trường Việt Nam miễn thị thực, nhưng khách không tăng, song đó có thể là mở sai mục tiêu, đối tượng khách.
Là người nước ngoài đã sinh sống tại Việt Nam từ cuối năm 1980, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam nhận ra một điều, tăng trưởng du lịch của Việt Nam về số lượng rất nhanh, Thái Lan phải mất đến 15 năm để đạt được lượng khách như Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói là, khách du lịch quay lại Thái Lan rất đáng kể, nhưng Việt Nam chưa làm được điều này.
“Nếu chúng ta miễn visa cho các thị trường mà chúng ta hướng tới có thể đem về hàng trăm triệu USD. Việt Nam hoàn toàn có thể khuyến khích khách ở lại lâu hơn bằng cách, kéo dài thời gian từ 15 lên 30 ngày. Việt Nam cũng không nên bỏ qua những thị trường có mức chi trả cao như Australia, New Zealand, Hà Lan... trong chính sách gia tăng miễn thị thực nhiều nước hơn nữa”, ông Atkinson nói.
Ông Atkinson cũng ví dụ, một số khách thuộc diện được miễn visa sau khi đến TP.HCM mới biết mình được miễn.
“Chúng tôi đã khảo sát và thấy rất khó để truy cập thông tin bởi những người dùng thông thường, khách quốc tế gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin visa. Việc diễn giải các quy định liên quan cũng không nhất quán. Chúng ta cần có trang web kiểm soát bởi chính phủ chứa tất cả các thông tin liên quan đến thị thực để cung cấp cho du khách. Chúng ta cũng cần sử dụng các hòm thư của chính phủ, sứ quán thay vì email thông thường để tránh thông tin giả và trục lợi”, ông Atkinson nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, liên quan tới vấn đề cấp thị thực tại cửa khẩu, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour cho rằng, hình thức cấp thị thực tại cửa khẩu của Việt Nam, thực chất vẫn là khách đến Việt Nam nhận thị thực tại cửa khẩu, nhưng trước đó họ đã phải làm thủ tục và cầm công văn đến cửa khẩu. Trong khi đó, Thái Lan đang cấp thị thực tại cửa khẩu với công dân 20 nước. Chỉ cần chuẩn bị ảnh, hộ chiếu, vé máy bay và xác nhận nơi cư trú, khách quốc tế có thể được cấp visa ngay tại cửa khẩu Thái Lan mà không cần thực hiện bất kỳ thủ tục nào trước đó….
Đây là vấn đề đáng quan tâm bởi điểm nghẽn này đã tồn tại từ lâu trong phát triển du lịch và trong tất cả các cuộc họp liên quan tới ngành du lịch, vấn đề này vẫn tiếp tục được đưa ra thảo luận, kiến nghị.
Mặc dù Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng ngay từ đầu đã đề cập tới Việt Nam là một điểm đến hội tụ nhiều danh hiệu danh giá như "Điểm đến hàng đầu châu Á" theo World Travel Awards (WTA).
Ngoài ra, những địa danh khác cũng lọt vào hàng xuất sắc như TP.HCM vào top điểm đến hấp dẫn nhất châu Á năm 2018 (Lonely Planet bình chọn); Hội An vào top 15 thành phố hấp dẫn nhất thế giới 2018 của (Tạp chí du lịch Travel & Leisure của Mỹ); Hà Nội đứng vị trí 12/25 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2018 (do TripAdvisor công bố); Cầu Vàng nằm trên lòng bàn tay khổng lồ ở Đà Nẵng là 1 trong 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018 (Tạp chí Time của Mỹ bình chọn); Vịnh Hạ Long vào top 30 điểm đến không thể nào quên trên thế giới (BuzzFeed), Phú Quốc nằm trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam (TripAdvisor) và trong Top 5 điểm đến mùa thu tại châu Á (CNN)...
Nhưng câu chuyện là tại sao trong khi khách đến Thái Lan chi tiêu trung bình 163 USD mỗi ngày, thì đến Việt Nam con số này chỉ là 96 USD. Nhiều người đến Việt Nam rồi một đi không trở lại, trong khi Thái Lan đón những vị khách đều đặn ghé thăm mỗi năm. Trong khi các quốc gia chi hàng chục triệu USD quảng bá du lịch, ở Việt Nam con số này là 2 triệu USD. Trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới về hiệu quả quảng bá du lịch, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong tổng số 136 quốc gia, thậm chí sau Lào, Campuchia vẫn là những câu hỏi đặt ra cho ngành du lịch.
Theo các số liệu thống kê và đánh giá của chuyên gia cho thấy, du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng năm 2018 tổng số du khách quốc tế vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu), trong khi Việt Nam dừng lại ở con số gần 15,5 triệu lượt khách.
Trong khi đó, tỷ trọng của các thị trường chi tiêu cao đang có xu hướng giảm dần từ 2015 như khách Bắc Mỹ giảm từ 7,6% xuống đến 5,8%, châu Âu từ 14,6% xuống 13,1% trong khi khách châu Á lại tăng mạnh.
Mặc dù tính về thời gian, khách quốc tế lưu trú tại Việt Nam lâu hơn nhưng chi tiêu ít khá ít chỉ ở mức 96 USD/ngày, trong khi ở Singapore là 330 USD/ngày.
Con số đáng chú ý nữa là số liệu thống kê 4 tháng đầu năm 2019 cho thấy, lượng khách du lịch chỉ tăng 7,6%, mức thấp nhất trong những năm vừa qua.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, Việt Nam không thể đòi hỏi các quốc gia Việt Nam miễn visa đơn phương cũng có chính sách miễn visa cho Việt Nam hay so sánh Việt Nam với Mỹ hay Nhật Bản. Điều này là không thể, trong khi đó, bức tranh du lịch của Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi nhờ chính sách visa mở, tập trung vào những thị trường có mức chi tiêu cao, vì rõ ràng, câu chuyện visa không phải là tính toán từng đồng từ việc cấp visa với một nguồn lợi khổng lồ mà du lịch có thể mang lại nếu chính sách này được nới lỏng.