Doanh nghiệp
Các công ty dược mới đáp ứng được 52,5% nhu cầu trong nước
Phương Anh - 16/12/2019 15:14
Kết quả nghiên cứu về ngành Dược Việt Nam trong thời gian qua, dự đoán xu thế kinh doanh vừa được công bố.

Ngành Dược trong nước đã tăng trưởng mạnh

Theo thống kê của BMI Research, năm 2018, quy mô thị trường ngành Dược Việt Nam đạt giá trị 5,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Tuy vậy, tình hình sản xuất dược phẩm trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 52,5% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại phải thông qua nhập khẩu.

Tính đến 15/09/2019, kim ngạch nhập khẩu thuốc là 2,144 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số tăng thêm khoảng 200 triệu USD.

Tính đến 16/5/2019, Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và 224 cơ sở sản xuất nhà máy trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc). Các công ty dược trong nước chủ yếu sản xuất dạng bào chế đơn giản, thực phẩm chức năng, và các loại thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền).

Về thị phần phân phối thuốc, hiện nay phân phối qua đấu thầu thuốc bán cho bệnh viện (kênh ETC) đang chiếm khoảng 70% thị trường thuốc, chỉ 30% còn lại là dành cho các nhà thuốc bán lẻ (kênh OTC), trong khi cả nước có khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc. Sự phát triển của kênh ETC là do:

Thứ nhất, chính sách bảo hiểm y tế của Chính phủ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao dẫn đến việc chi tiêu thuốc cho khu vực này sẽ ngày càng chiếm chủ đạo trong tương lai; Thứ hai, khối bệnh viện tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ góp phần gia tăng thuốc trong khối điều trị; Thứ ba, nhận thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao sẽ làm nhiều người đến bệnh viện hơn.

Tổng quan ngành Dược Việt Nam

Tiềm năng tăng trưởng

Dù gặp nhiều khó khăn về sản xuất và công nghệ nhưng với cơ cấu dân số trẻ nhưng đang có tốc độ già hóa nhanh, thu nhập, tình trạng ô nhiễm môi trường và mức độ quan tâm của trên 97 triệu dân đến các vấn đề sức khỏe ngày càng cao, sẽ là động lực cho ngành Dược phẩm tiếp tục tăng trưởng. Trong vòng 5 năm tiếp theo, ngành Dược Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới.

Dự báo từ hãng nghiên cứu thị trường IBM về độ lớn thị trường dược phẩm nước ta sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021, và lên đến 16,1 tỷ USD năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.

Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ nâng lên mức 50 USD/người/năm vào năm 2020.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược lớn đang tiến hành đầu tư nâng cấp nhà máy, hứa hẹn sẽ tạo những bước phát triển mới cho sản phẩm dược trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nhập khẩu.

Theo kết quả khảo sát, 100% các chuyên gia nhận định ngành Dược Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, trong đó gần 80% chuyên gia cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục ổn định ở mức từ 10 - 15%.

5 xu thế kinh doanh chính của ngành Dược:

Mở rộng kênh OTC – bán hàng trực tiếp qua các hiệu thuốc

Tuy hiện tại kênh phân phối qua bệnh viện chiếm ưu thế, nhưng các doanh nghiệp đang dần chuyển đổi từ kênh ETC sang OTC do quy định mới về việc lựa chọn thuốc trúng thầu trong các bệnh viện lại là ưu tiên những loại thuốc có giá thấp. Việc phát triển kênh OTC sẽ giúp cho các doanh nghiệp củng cố được vị trí, đảm bảo được khả năng cạnh tranh trên thị trường và không bị ảnh hưởng nhiều bởi các chính sách, chủ trương của ngành y tế.

Phát triển các chuỗi bán lẻ dược phẩm

Ngành bán lẻ dược phẩm đang được nắm giữ bởi các nhà thuốc riêng lẻ, chưa có thương hiệu nhưng với tiềm năng tăng trưởng hai con số đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, hoạt động ngoài ngành như Thế giới di động, FPT Retail, Nguyễn Kim… tham gia vào ngành trong lĩnh vực phân phối. Việc xây dựng chuỗi bán nhà thuốc GPP sẽ là xu hướng của tương lai, bởi mức sống của người dân ngày càng tăng sẽ dẫn đến thay đổi trong thói quen tiêu dùng một số bộ phận khách hàng, họ sẽ tìm đến những địa chỉ nhà thuốc đáng tin cậy, đáp ứng tiêu chuẩn để nghe tư vấn và mua thuốc. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình chuỗi cửa hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do thị trường phân mảng, thói quen tiêu dùng cũ của đại đa số người dân và đặc biệt là tạo cuộc cạnh tranh về giá với các hiệu thuốc nhỏ lẻ, khi mà các cửa hàng này thường nhập từ nơi không chính thống như chợ thuốc, nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong mở rộng thị trường dược phẩm trực tuyến

Với sự phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt trước xu thế của cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ như hiện nay, thị trường dược của Việt Nam đã xuất hiện các chuỗi nhà thuốc trực tuyến và những ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa tại nhà. Thị trường kinh doanh dược phẩm online có nhiều tiềm năng phát triển và tạo cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm online phát triển mô hình tư vấn và bán hàng qua mạng.

M&A trong ngành Dược sẽ tiếp tục sôi động

Ngành Dược với tiềm năng tăng trưởng cao, trong khi có nhiều doanh nghiệp đang nằm trong diện tái cấu trúc, thoái vốn nhà nước, cùng với chính sách ưu tiên, ủng hộ hàng sản xuất trong nước đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Theo các chuyên gia trong ngành dược phẩm, xu hướng M&A trong ngành dược hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động hơn trong thời gian tới. Việc thực hiện M&A góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp mà còn mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, phát triển mạng lưới phân phối…

Phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm

Cùng với xu hướng tăng trưởng thu nhập của đại bộ phận dân cư thành thị, nhận thức về ngoại hình, sức khỏe ngày càng gia tăng, các sản phẩm có nguồn tự nhiên, thực phẩm chức năng và dược phẩm được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển và sẽ sớm chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số tiêu thụ Dược phẩm của Việt Nam trong 5-10 năm tới, tương tự như các nước phát triển thì các sản phẩm này chiếm 50-60% tổng thị trường OTC.

Tin liên quan
Tin khác