TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. |
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi với Báo Đầu tư về những vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã năm 2022.
Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông quan tâm đến những điều gì?
Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là, kết quả những tháng đầu năm 2022 được tiếp nối từ năm trước nhờ sự điều hành quyết liệt, linh hoạt và sát sao của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội.
Chính phủ đã thực hiện thành công chiến dịch “ngoại giao vắc-xin”, chuyển hướng kịp thời chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” nhờ mục tiêu vì người dân đặt lên trên.
Có nhiều bài học trong điều hành giai đoạn vừa qua cần nhắc vào thời điểm này.
Thứ nhất, dù nền kinh tế đang phục hồi, nhưng phần lớn nhờ khu vực đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu. Khu vực doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, nhất là trong các ngành ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh như du lịch, lưu trú, vận tải, bán buôn, bán lẻ.
Vừa rồi, tôi có dịp tới một số địa phương, thấy hoạt động kinh doanh tưng bừng lên trong đợt nghỉ lễ, nhưng cũng chỉ đôi chút, chứ chưa thực sự trở lại.
Thứ hai, sau hơn 1 năm qua, chúng ta nhận thức được bài học rất quan trọng, đó là trong mọi trường hợp, các mạch nguồn lực của kinh tế, như giao thông, hàng hóa, con người, tiền bạc... phải được thông suốt. Trong nền kinh tế thị trường, gãy lưu thông là chết. Lưu thông ở đây theo nghĩa cả bên trong và với thế giới.
Giờ nhìn lại, Chính phủ đã rất nỗ lực để giữ được lối thông cho nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng, các thành viên Chính phủ đã thay nhau đi đến các trung tâm kinh tế, các đại bản doanh của doanh nghiệp FDI tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Đông Nam bộ... ngay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, để giữ cửa mở với kinh tế thế giới, để hàng hóa Việt Nam vẫn thông với thị trường thế giới.
Hiện tại, thành quả của nền kinh tế những tháng đầu năm cũng được ghi nhận nhờ sự mở cửa trở lại trong nước, kết nối với thị trường thế giới. Tới đây, khi du lịch quốc tế thực sự trở lại, sự phục hồi trong các ngành dịch vụ sẽ rõ nét hơn.
Vì vậy, thời gian tới, nguyên tắc lưu thông các mạch nguồn lực của nền kinh tế cần phải được tiếp tục, nhất là Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cần được đẩy nhanh tốc độ thực thi.
Về Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đang đặt nhiệm vụ triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt. Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ xác định, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Có 2 ý tôi muốn chia sẻ khi nói về chương trình này, là quy mô và tốc độ, vì nền kinh tế đang cần năng lực, nguồn lực để tận dụng cơ hội phục hồi, rồi đứng dậy, phát triển.
Quy mô gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng chưa thực sự lớn như kỳ vọng, nhưng đang giải ngân khá chậm, chưa thông suốt, dù Chính phủ đốc thúc quyết liệt.
Thực tế cho thấy, có những quy định mới, rủi ro cao, nên tâm lý sợ sai lớn, khiến tốc độ chậm. Nhưng cũng có những ràng buộc từ cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ từ Quốc hội.
Theo tôi, việc rà soát, tìm lý do ách tắc trong thực hiện Chương trình là cơ hội để phá vỡ những rào cản cơ chế, rào cản tâm lý trong thực thi.
Đang có lo ngại rằng, khả năng giữ được lạm phát khoảng 4% là rất thách thức, trong bối cảnh lạm phát trên thế giới được dự báo gia tăng, thưa ông?
Tôi muốn nhắc đến một trong những thành công rất lớn của Chính phủ là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cả nhiệm kỳ trước cũng như nhiệm kỳ hiện tại, với tính kỷ luật rất cao trong điều hành. Chính vì vậy, mặc dù áp lực lạm phát rất lớn, song không nên sợ lạm phát.
Việt Nam có thể chấp nhận mức lạm phát cao hơn chỉ tiêu, để giúp doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi nhanh.
Tôi nói như vậy là vì về cơ bản, lạm phát của Việt Nam hiện tại do chi phí đẩy, do nhập khẩu nhiều, nên chịu tác động của giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển trên thế giới tăng cao và có thể kéo dài, khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn. Nghĩa là, nếu siết cung tiền, thì lạm phát vẫn tăng.
Trong điều kiện nhập khẩu lạm phát như vậy mà ta siết chặt tiền tệ, thì có thể rơi vào tình trạng đóng băng giữa thế giới sôi động. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu thiệt hại đầu tiên, vì lúc này, doanh nghiệp cần tiền để chi trả, ứng phó với việc tăng giá, có nguồn lực để chi trả, phục vụ các kế hoạch phục hồi.
Như vậy, đây là lúc có thể tập trung giải ngân nhanh, đưa nguồn lực vào các tọa độ phục hồi, từ đó kích thích phát triển.
Tôi muốn nhấn mạnh mục tiêu của các gói hỗ trợ được thiết kế đặc biệt là phục hồi và phát triển, chứ không chỉ phục hồi như nhiều nền kinh tế khác, nên cần nhận diện cả thách thức và thời cơ để có đối sách phù hợp. Tất nhiên, việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ khó khăn, đòi hỏi nghệ thuật, bám sát tình hình và linh hoạt.
Thậm chí, tôi mong muốn một chương trình phục hồi và phát triển có tính mở hơn, nghĩa là, nếu có những tác động tích cực thì có thể đẩy thêm nguồn lực để tận dụng đà tăng nhanh trở lại. Ngược lại, trong quá trình triển khai, nếu thấy có tín hiệu tác động đến giới hạn của lạm phát, thì có thể siết lại.