Nhiều dự án mới đang dần lộ diện
Hiện tại, nước ta đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên thành 200 sân. Động lực khiến các sân golf liên tục ra đời xuất phát từ Nghị định số 52/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ môn golf đang ngày càng được chú ý nhiều hơn tại Việt Nam. Ảnh: Chí Cường |
Theo đó, việc kinh doanh sân golf giờ đã được quy định là ngành kinh doanh có điều kiện và các tỉnh sẽ được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, thay vì đi theo định hướng quy hoạch quốc gia như trước đây. Chính vì vậy, nhiều tỉnh đang tận dụng cơ hội từ chính sách để liên tục mở đường cho sự phát triển của các sân golf cùng các tiện ích, dịch vụ đi kèm.
Vào cuối tháng 5/2024, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu khu đô thị nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sân golf Yên Thế, tỷ lệ 1/2000.
Dự án tọa lạc tại xã Tiến Thắng và xã Tam Tiến, huyện Yên Thế. Diện tích lập quy hoạch khoảng 414 ha, quy mô dân số dự kiến 1.000 - 1.500 người. Tổng chi phí thực hiện dự án là hơn 2.780 tỷ đồng.
Trước đó vào tháng 3/2024, UBND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, cũng đã thông báo tìm nhà đầu tư cho dự án khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền tại xã Đồng Sơn và xã Tiền Phong.
Theo đó, tổng diện tích đất thực hiện dự án khoảng 134,01 ha. Trong đó, khu vực phát triển du lịch thể thao - sân golf rộng 88,18 ha. Tổng mức đầu tư của dự án này lên tới hơn 6.380 tỷ đồng.
Mô hình khu đô thị nghỉ dưỡng kết hợp sân golf dự kiến sẽ tiếp tục được nhân rộng ở xứ sở vải thiều trong thời gian tới. Bởi căn cứ theo quy hoạch Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, với tổng cộng 13 sân golf.
Cũng vào cuối tháng 5/2024, UBND huyện Ia Grai đã báo cáo UBND tỉnh Gia Lai về thông tin liên quan đến hai dự án sân golf trên địa bàn. Tổng diện tích của hai sân golf là khoảng 550 ha.
Trước đó, hồi đầu năm, Gia Lai cũng đã kêu gọi đầu tư dự án khu đô thị 200 ha tại TP. Pleiku. Đáng chú ý, dự án sẽ có sân golf nằm sát cảng hàng không Pleiku.
Không kém cạnh, vào tháng 3/2024, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành nghị quyết về nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000, đối với khu du lịch sân golf 90 ha tại xã Hương Thọ và xã Bình Thành.
Trước đó, địa phương này cũng đã được nhiều doanh nghiệp đầu tư làm sân golf, bao gồm cả “ông lớn” như BRG. Ngoài ra, một số đơn vị đến từ Hàn Quốc như Daewon và KX cũng đang trong quá trình “để mắt”, nghiên cứu địa phương này.
Sân golf trở thành một phần trong chiến lược quy hoạch
Trong chiến lược quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều địa phương đã có động thái dành quỹ đất để phát triển sân golf. Chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai, địa phương này đã đề xuất dành hơn 880 ha đất để xây dựng 6 sân golf.
Tham vọng hơn, tỉnh Hòa Bình còn đặt mục tiêu phát triển gần 40 sân golf từ nay đến năm 2050. Cùng với mốc thời gian trên, Vĩnh Phúc cũng dự kiến làm 40 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf. Phía tỉnh Quảng Ninh cũng đã lên quy hoạch cho 22 sân golf. Thái Nguyên cũng đặt mục tiêu thực hiện 13 sân.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, sự bùng nổ của phong trào chơi golf đang đem lại nguồn thu cao cho doanh nghiệp và địa phương. Do đó, việc quy hoạch sân golf là điều cần thiết để đưa hoạt động này trở thành một phần của tổ hợp vui chơi, giải trí địa phương.
“Sự phát triển của golf không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp về lợi nhuận, mà còn có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, khách du lịch golf thường có mức chi tiêu cao gấp 6 lần khách du lịch thông thường. Còn với số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2023, khoảng 30 - 40% khách quốc tế lựa chọn loại hình du lịch golf. Theo đó, trung bình mỗi khách đến Việt Nam chơi golf chi tiêu khoảng 40 triệu đồng trong 5 ngày, chưa kể vé máy bay.