Cadivi với quy mô tài sản 1.822 tỷ đồng đang là nhà sản xuất nắm giữ 18% thị phần cáp điện tại Việt Nam |
Kế hoạch lợi nhuận vẫn thận trọng dù hưởng lợi từ giá đầu vào
CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu phấn đấu lần đầu tiên cán mốc 10.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế kế hoạch chỉ là 501 tỷ đồng, bằng 80% so với kết quả năm 2019.
Tuy nhiên, Cadivi vốn có truyền thống đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng. Mục tiêu mà công ty đặt ra cho năm 2019 cũng khá thấp, nhờ đó, lợi nhuận trước thuế đã vượt kế hoạch đề ra tới gần 31%. Theo phương án phân phối lợi nhuận, 20% phần lợi nhuận vượt kế hoạch sẽ được đưa vào quỹ thưởng ban điều hành. Cadivi đang trình cổ đông sẽ trích ra 22 tỷ đồng vào quỹ này, cùng đó, chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 50% cho các cổ đông.
Với mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông nhận về 5.000 đồng. CTCP Thiết bị điện Gelex đang sở hữu trên 93% vốn Cadivi thu 270 tỷ đồng cổ tức năm 2019, trong đó một nửa đã được tạm ứng hồi tháng 9/2019 và nửa còn lại dự kiến chi trả vào tháng 5 tới.
Một trong các yếu tố thuận lợi của Cadivi trong năm 2019 là giá vật tư, nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất bao gồm đồng, nhôm, hạt nhựa đều biến động trong xu hướng giảm.
Các nguyên vật liệu trên tiếp tục giảm mạnh do các biến động lớn kinh tế thế giới, đặc biệt từ dịch Covid–19. Giá nhôm giao dịch trên thị trường thế giới đã giảm tới 18% từ đầu năm đến nay và rơi xuống mức đáy 4 năm. So với thời điểm một năm trước, giá nhôm và đồng đều cũng đã giảm hơn 20%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo công ty, dịch Covid – 19 tác động cả cung và cầu của sản phẩm Công ty, ảnh hưởng chuỗi giá trị hàng hóa trên cả thế giới và diễn biến rất khó lường.
Giá đồng thế giới đã giảm hơn 20% so với thời điểm một năm trước, có thời điểm rơi xuống đáy 4 năm hồi trung tuần tháng 3 |
Gánh nặng nợ vay tăng
Năm 2019 tiếp tục là năm Cadivi mở rộng nhanh quy mô. Tổng tài sản tại ngày 31/12/2019 xấp xỉ 4.055 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2016. Quy mô hàng tồn kho tới cuối năm 2019 tăng khá nhanh, gấp rưỡi so với thời điểm cuối năm 2018, từ 856 tỷ đồng lên 1.278 tỷ đồng, chủ yếu do tích thêm nguyên vật liệu nhằm phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh. Hệ số thanh toán nhanh (tính bằng giá trị tài sản có tính thanh khoản cao nhất gồm tiền mặt, đầu tư ngắn hạn và khoản phải thu chia cho tổng nợ ngắn hạn) giảm khá mạnh từ 0,9 lần xuống 0,72 lần. Thực tế lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Cadivi vào cuối năm 2019 cũng giảm 58%, xuống còn 132 tỷ đồng.
Gia tăng vay nợ trong năm 2019 cũng gây áp lực hơn lên Cadivi dù tỷ lệ nợ hiện mới ở mức 60%. Các khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn đã tăng từ 911 tỷ đồng lên hơn 1.600 tỷ đồng.
Nguồn vốn vay ngoài bổ sung vốn lưu động còn tài trợ cho Cadivi thực hiện các dự án đầu tư . Trong đó, dự án Cadivi Tower đã hoàn tất công tác thiết kế, dự kiến xây dựng từ cuối tháng 3 với chi phí được phê duyệt là 208 tỷ đồng, nhà máy tạo hạt nhựa dự kiến hoàn thành vào quý III năm nay. Ngoài ra, 5 dự án khác đang trong giai đoạn nghiệm thu, quyết toán gồm dây chuyền sản xuất sản phẩm cáp nhôm siêu nhiệt tại Cadivi miền Đông, dự án nâng cao năng lực sản xuất tại Cadivi Đồng Nai, Sài gòn, miền Trung.
Năm 2019, lãi vay Công ty phải trả là 79,4 tỷ đồng, tăng 67,14% so với năm 2018 (tăng ). Chỉ số EBIT/lãi vay giảm còn 8,9 lần từ mức trên 12 lần trước đó. Tuy nhiên, công ty đánh giá đây vẫn là mức đảm cao khả năng thanh toán lãi vay cao.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường cáp điện
Cadivi là nhà sản xuất dây cáp điện đang chiếm tỷ trọng đến khoảng 18% thị phần. Sự tăng trưởng khối lượng lưới điện truyền tải thời gian tới là một trong các động lực phát triển của thị trường trong nước. Ở thời điểm hiện tại, doanh thu đối tượng khách hàng đại lý đang chiếm tới 73%. Doanh thu từ điện lực chỉ chiếm 9%. Cadivi đề ra nhiệm vụ sẽ tăng tốc ở mảng điện lực này.
Năm 2019, thị trường dây cáp điện ghi nhận sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các đối thủ trong ngành luôn đeo bám. Giá yếu tố đầu vào có xu hướng giảm, nhưng cũng đồng thời gây ra sức ép cạnh tranh lên giá cả sản phẩm.Theo đánh giá của lãnh đạo công ty, ngành dây cáp điện phát triển nhanh nhưng chưa được bền vững vì nhiều công ty sao chép mẫu, làm rối loạn thị trường. Lợi thế thương hiệu uy tín sẽ là chiến lược để Cadivi mở rộng thị trường trong nước của Công ty trước các đối thủ cạnh tranh.