Chuyện làng, chuyện phố
Cảm ơn và xin lỗi - hành động nên làm!
Thuỳ Linh - 05/07/2020 09:40
Nhận lỗi và xin lỗi - hành động đơn giản ấy nhưng đôi khi lại rất xa xỉ ở ta, từ việc của người lớn và trẻ con cũng từ cái nếp xấu ấy mà học và làm theo.

1.

Từ xưa tới nay, những đứa trẻ được yêu chiều vấp ngã thì hết bà tới mẹ chạy ra đánh chừa chỗ đất, cái ghế, cái cột nhà… đã làm “em đau, em khóc”, hay trách mắng “yêu" người đã trông em sơ sẩy để em ngã... Cho nên, từ tấm bé, rất nhiều đứa trẻ đã cho mình cái quyền luôn luôn đúng và người khác buộc phải sai.

Chúng có thể hỗn hào với người lớn, tranh giành đồ với bạn chơi lớn hơn tuổi hoặc bé hơn tuổi vì được người lớn bênh vực rằng “em bé em biết gì đâu" và những đứa trẻ lớn hơn luôn phải chịu phần thua thiệt, oan uổng. Con mình hư thì đổ tại bạn bè lôi kéo...

Rồi lớn lên, rất nhiều lần chúng ta đã được tường thuật lại tại các phiên tòa xét xử hành vi vi phạm pháp luật của các thanh niên rằng, người thân, bố mẹ của bị cáo luôn day dứt rằng, “ở nhà cháu nó ngoan ngoãn, nghe lời lắm, chắc là ra ngoài rồi bị… bọn xấu rủ rê???”.

Kỳ thực, nó chính là cái “quả” của từng hành động nuông chiều, bao bọc quá đáng của chính họ từ xa xưa!

Ở góc độ phổ biến hơn, cái thói xấu ấy ăn sâu vào suy nghĩ, hành động hàng ngày của rất nhiều người nên họ luôn đặt cái tôi lên trên hết, thậm chí không cần phân biệt đúng - sai. Ra đường, dù đi sai luật giao thông, va chạm vào người khác, mình sai lè nhưng việc đầu tiên là phải “hung hăng" chửi bới vài câu, sau hạ hồi phân giải. Chính vì thế, rất nhiều va chạm nhỏ trên đường, không ai chịu nói lời xin lỗi mà nảy sinh những mâu thuẫn rất lớn, có khi là lao vào đoạt mạng nhau.

Thế giới phẳng ngày nay đã khiến mọi người được tiếp xúc và học hỏi với văn hóa phương Tây nhiều hơn, thế nhưng, có một điều lạ là văn hóa nhận lỗi và xin lỗi - vốn là một đặc trưng của dân phương Tây lại không được nhiều người bắt kịp theo.

Ở một số nước như Nhật Bản chẳng hạn, mỗi khi quan chức nào đó mắc lỗi, dù người dân chưa lên tiếng thì họ đã công khai cúi đầu, chắp tay nhận lỗi trước người dân, thậm chí là từ chức. Nhưng hình như ở ta, ít thấy những người thừa hành trách nhiệm… xin lỗi người dân, trừ khi sai phạm của họ đã đến mức phải ra trước pháp luật.

Mấy hôm nay, Hà Nội và nhiều vùng miền nắng nóng như nung, lại còn có vẻ nóng hơn vì chuyện hóa đơn tiền điện bỗng dưng tăng vọt gấp mấy lần. Bất thường vậy, nhiều người phản ứng vậy, thay vì xin lỗi và tìm hiểu nguyên nhân hoặc khắc phục, nhiều người lại "đổ lỗi" cho đủ lý do mà thực sự ai cũng cảm thấy bất hợp lý.

2.

Người ta thường nói, trong cuộc sống phố thị, mỗi khu chung cư là một xã hội thu nhỏ, với cư dân thuộc đủ mọi vùng miền, nghề nghiệp và văn hóa sinh sống khác nhau. Khi tụ lại với nhau trong một không gian sống theo chiều thẳng đứng, rất nhiều điều bộc lộ, trong đó có văn hóa cám ơn, xin lỗi. Chung cư là một xã hội thu nhỏ, mỗi người một tính cách và quan điểm sống thế nhưng chung cư cũng là nơi mà mọi sự phức tạp, thiếu thống nhất tồn tại giữa đa dạng góc nhìn văn hóa của từng người.

Chỉ mới cách đây vài hôm, trên diễn đàn một chung cư nọ cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì câu chuyện một cư dân say xỉn về đêm lỡ cầm nhầm mũ bảo hiểm lên nhà đã bị chủ nhân của chiếc mũ đưa lên trên diễn đàn chung. Thế nhưng, thay vì nhận lỗi và xin lỗi, vị cư dân kia lại cự cãi rồi chép miệng: “Việc chẳng đáng gì mà cứ gây khó khăn cho nhau”, thế nhưng cái “không đáng gì ấy” nó lại biểu hiện thứ bậc trong một môi trường văn hóa, mà nôm na gọi là văn hóa chung cư.

Hay như chuyện nuôi chó, nuôi mèo ở chung cư. Đành rằng xu hướng hiện đại ngày nay nhiều người coi chó, coi mèo như bạn, như người thân trong nhà. Thế nhưng, cũng không phải ai cũng thích điều đó. Mới cách đây không lâu, con gái 7 tuổi của một cư dân trong tòa nhà tôi đang ở đang đi dạo dưới sân chung cư, bất ngờ đàn chó mấy con của một hộ dân tầng trệt chạy đến vồ vào người.

Nhiều vết cào xuất hiện khắp cơ thể khiến cháu phải đi tiêm ngừa. Sau sự cố ấy, gia đình anh và nhiều hộ dân lên tiếng đề nghị cấm nuôi chó trong khu chung cư, nếu nuôi thì không được thả rông và phải rọ mõm. Thế nhưng, tất cả ý kiến đều bị phớt lờ. Còn chủ nhân của con chó cũng chẳng buồn hỏi thăm, không một lời xin lỗi và cũng chỉ nói một câu: "Ừ! Tôi biết rồi".

"Con tôi bị ám ảnh sau lần chó cắn. Chỉ cần nghe tiếng chó sủa là cháu giật mình khóc thét. Không muốn con bị ảnh hưởng tâm lý và để cuộc sống an toàn, chúng tôi đành phải dọn đến nơi khác sống vì khu này nhiều chó mèo quá", vị cư dân bày tỏ.

Một vấn đề nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng thể hiện nét văn hóa của không ít người là việc sử dụng thang máy. Trục giao thông huyết mạch của cả tòa nhà chung cư nhiều khi bỗng dưng trở thành chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ, thành “phòng ăn” cho trẻ và thậm chí trở thành WC cho một số kẻ vô ý thức hoặc say xỉn. Nhiều bận đi vào chung cư, thấy trẻ con bấm loạn các tầng, thay vì xin lỗi mọi người, các bậc phụ huynh đi cùng lại chỉ buông 1 câu đơn giản "Trẻ con mà, chấp làm gì?"

3.

Đại đa số mọi người mỗi ngày đều không tránh khỏi những sai lầm mà phải nhiều lần nói lời “Tôi xin lỗi”. Có thể là trong lúc vô tình đụng phải, cũng có thể để nhờ một sự giúp đỡ của ai đó… Xin lỗi khi bản thân mắc lỗi là chuyện bình thường và mỗi người ứng xử với lỗi lầm của mình theo cách khác nhau.

Có người thừa nhận sai lầm, xin lỗi rồi sửa sai; lại có người biết là sai lầm nhưng không dám thừa nhận, hoặc thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa và không hề biết nói lời xin lỗi. Biết nói và sử dụng lời cảm ơn hay lời xin lỗi là biểu hiện của nhận thức, của việc thực hiện hành vi ứng xử văn hóa. Ðể các lời nói thân thiện này trở thành thói quen trong quan hệ xã hội, mỗi người trong chúng ta cần nhận thức cụ thể hơn, để mọi người ứng xử có văn hóa hơn trong giao tiếp.

Biết nói lời cảm ơn và xin lỗi là một tiêu chí đánh giá phẩm chất và vốn liếng văn hóa của mỗi cá nhân, từ đó góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn. Tất nhiên, nói như thế nhưng cũng phải loại trừ những lời cảm ơn hay xin lỗi không thật lòng, để cho qua chuyện.

Tin liên quan
Tin khác