Thời sự
Cần bước đệm để công nhận hôn nhân đồng tính
- 17/09/2013 14:46
Quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính đã được sửa đổi thành Nhà nước không cấm kết hôn nhưng cũng không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
TIN LIÊN QUAN

Cùng với đó, Dự thảo cũng đưa ra cơ sở pháp lý nhằm giải quyết những vấn đề liên quan tới quan hệ tài sản, con cái giữa những người cùng giới tính chung sống như vợ chồng.

   
     

Sau khi dự thảo này được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chiều 10/9 thì sáng nay, 18/9, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), những người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi của quy định trong dự thảo luật nếu được thông qua.

Đại diện từ cộng đồng LGBT, Lê Văn Cường cho rằng đây là bước tiến lớn bởi ở những quốc gia châu Á hầu như chưa có quốc gia nào đưa ra thảo luận đông đảo về vấn đề này thì Việt Nam đã khá mở khi lấy ý kiến người dân, bộ, ban, ngành và cả những góp ý từ những người thuộc cộng đồng LGBT.

“Tôi rất tán thành quan điểm Việt Nam phải có bước đệm trước khi công nhận hôn nhân đồng tính. Đây sẽ là thời điểm cộng đồng có cái nhìn rõ về cộng đồng LGBT và cũng là thời điểm để chúng tôi có những đánh giá thực chất về mặt dân sự và pháp lý liên quan tới chính cuộc sống của mình. Mặc dù, chúng tôi kỳ vọng thời gian này sẽ rút ngắn nhất có thể để chúng tôi được sống một cuộc sống bình thường không có kỳ thị từ xã hội, ít nhất là được đăng ký kết hôn khi chung sống với nhau”.

Ở góc độ quyền con người, việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thể hiện tính nhân văn, góp phần giảm bớt sự kỳ thị đối với nhóm người này. Tuy nhiên, để có cơ sở giải quyết hậu quả về mặt pháp lý của tình trạng chung sống như vợ chồng giữa một bộ phận người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế thì cần phải có quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh.

Một trong những vấn đề nảy sinh của việc chung sống này là những người đồng tính có quyền có con và nhận con nuôi không khi không được pháp luật thừa nhận hôn nhân.

Trao đổi về vấn đề này, TS.Bùi Minh Hồng, Thường trực tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cho biết: Về mặt pháp lý, do không được thừa nhận quan hệ hôn nhân nên những người đồng tính không được phép cả 2 cùng đứng tên xin con nuôi.

Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh với những người đồng tính nữ có khả năng mang thai và có con riêng. Trong trường hợp này, trước pháp luật đứa con vẫn được công nhận là con của mẹ ruột còn người đồng tính ở cùng mẹ của đứa trẻ có quyền làm thủ tục nhận đứa trẻ là con nuôi theo đúng thủ tục của pháp luật.

Ngược lại với những cặp đồng tính nữ, một số ý kiến đại diện cho những cặp đồng tính nam cũng tỏ ra băn khoăn về việc họ có được phép có con riêng của mình qua một hợp đồng mang thai hộ với người phụ nữ khác vì mục đích nhân đạo và nhận đứa trẻ như con nuôi của cặp đồng tính nam không.

Ông Hồng khẳng định: “Hợp đồng mang thai hộ này sẽ không có giá trị về mặt pháp lý. Nếu trên thực tế phát sinh việc người phụ nữ chấp nhận có con với người đồng tính nam thì pháp luật vẫn công nhận mẹ đứa trẻ có quyền đồng ý hay không đồng ý giao con cho người đồng tính nam. Trong trường hợp người mẹ đồng ý giao con thì người đồng tính nam sẽ nhận con của mình theo đúng các thủ tục xin nhận con nuôi nhưng chỉ được đứng tên 1 người xin nhận con nuôi”.

Mặc dù hiện vẫn khá nhiều tranh cãi trong xã hôi về những người đồng tính và những việc liên quan tới những đứa trẻ là con của những người đồng tính nhưng trong tương lai không xa, những người thuộc cộng đồng LGBT sẽ được Nhà nước công nhận về mặt hôn nhân. Lộ trình này ngắn hay dài theo ông Hồng phụ thuộc vào chính ý kiến những người đồng tính và nhận thức của xã hội về vấn đề này thế nào.

Theo thống kê, hiện có 18 quốc gia trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng tính. Trước đó, những quốc gia này cũng có thời gian chuyển đổi từ khi đề cập đến quan hệ này vào luật đến sự công nhận trên thực tế. Cụ thể, Hà Lan đưa vào luật năm 1998 và công nhận chính thức năm 2001, Canada từ năm 1999 đến 2005, Pháp từ 1999 đến tháng 5/2013.

Theo nghiên cứu của ISEE, Việt Nam có tới 3% dân số (khoảng 3 triệu người) thuộc cộng đồng LGBT.

Trước khi dự luật này được trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp cuối tháng 10 tới thì ngày 21/9 , tại TP.HCM, trung tâm ICS (Trung tâm của những người LGBT) cũng sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến của cộng đồng LGBT về những thay đổi trong dự thảo luật này.

Hải Hà

Tin liên quan
Tin khác