- Tỷ phú Hong Kong "ngắm" thị trường bảo hiểm Việt Nam
- Thị trường bảo hiểm châu Á: "Chảo lửa" ngày càng nóng
- Tái cơ cấu thị trường bảo hiểm
- Đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ theo nguyên tắc “chọn bỏ”
- Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro
- Việt Nam - điểm đến hàng đầu cho các thương vụ M&A từ Nhật Bản
- “Nóng” thương vụ M&A trong lĩnh vực logistics
Thoái vốn nhà nước, mở hết cửa cho nhà đầu tư ngoại
Trong 3 doanh nghiệp đang có thị phần hàng đầu trên thị trường bảo hiểm Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã hoàn tất việc thoái hết vốn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho nhóm nhà đầu tư VNDirect. Tổng công ty cổ phần Bảo Minh cũng đã sẵn sàng kế hoạch bán cổ phần cho các đối tác mới khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn. Với Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Việt, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi SCIC đề nghị triển khai kế hoạch thoái vốn tại doanh nghiệp này.
Không chỉ hoàn tất việc thoái toàn bộ vốn nhà nước, PTI cũng đã thông qua kế hoạch nới room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật điều kiện tiếp cận thị trường đối với 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, PTI đã nhận được văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tăng lên mức 100%, từ mức 49% hiện tại. Cơ hội đón thêm nhà đầu tư ngoại tiếp tục mở ra tại doanh nghiệp này.
Không chỉ PTI “mở toang” cánh cửa cho nhà đầu tư ngoại, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%. Cơ hội tìm người mua trong trường hợp Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thoái vốn nhờ vậy sẽ rộng mở hơn.
Được biết, đầu năm 2021, PJICO cũng đã nhận được văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của PJICO tăng lên mức 100%, từ mức 49% hiện tại. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài không còn gặp hạn chế về room ngoại khi đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ này.
Kế hoạch nới room ngoại lên tối đa đã được thông qua từ cuộc họp Đại hồi đồng cổ đông thường niên năm 2020 của PJICO. Khi đó, lãnh đạo Tổng công ty cho biết, mục đích nới room là tăng cường tính thanh khoản của cổ phiếu PGI, đảm bảo lợi ích của các cổ đông, nhà đầu tư.
Cùng với quy định mở hết cửa cho nhà đầu tư ngoại vào lĩnh vực bảo hiểm, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm đang có vốn nhà nước chi phối, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/7/2021 cũng nêu rõ, bảo hiểm không thuộc 7 lĩnh vực mà Nhà nước sẽ nắm 65% vốn điều lệ sau chuyển đổi cổ phần hóa, thoái vốn.
Bảy lĩnh vực được nhắc tới bao gồm quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay; khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; tài chính, ngân hàng (trừ bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính).
Khi nút thắt về nới room ngoại được mở, việc bán vốn được xúc tiến nhanh hơn, thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ có những động lực tăng trưởng lớn hơn. Các doanh nghiệp khối này đều không giấu giếm mong muốn rằng, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp họ mở rộng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận.
Hết vốn nhà nước, bảo hiểm có mất đi lợi thế?
Việc các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi các công ty bảo hiểm bên cạnh việc đem lại nguồn lực lớn về tài chính cũng như công nghệ, cũng làm mất đi nhiều lợi thế mà các công ty nhà nước trước đây đem lại.
Tại PTI, sau khi VNPost thoái vốn và chuyển giao cổ phần cho VNDirect, lợi thế về mạng lưới phục vụ lớn nhất qua hơn 10.000 bưu điện, bưu cục có thể bị lung lay. Nếu trước đây, do là cổ đông lớn của PTI, nên VNPost chỉ chào bán độc quyền các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho PTI, thì khi không còn là cổ đông, VNPost sẽ cân nhắc việc mở rộng đối tác cung cấp sản phẩm trên kênh phân phối của mình. Điều này có thể gây là “tổn thất” không hề nhỏ cho PTI khi kênh bán lớn nhất này đem lại nguồn doanh thu gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm khoảng 16% tổng doanh thu của PTI.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện đặc thù của PTI. Đối với các doanh nghiệp khác, lợi thế có cổ đông nhà nước có thể thuận tiện hơn trong việc bán chéo các sản phẩm bảo hiểm cho các doanh nghiệp thành viên. Song trong một thị trường bảo hiểm mở và cạnh tranh như hiện nay, dịch vụ và sản phẩm tốt mới là lợi thế lớn nhất. Chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều mong muốn nới room ngoại để tăng vốn, mở rộng kinh doanh, đầu tư vào công nghệ dịch vụ mới, tăng trưởng lợi nhuận, tăng xếp hạng tín dụng quốc tế…
Trong một diễn biến khác, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và gia tăng thị phần, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đang tập trung nguồn lực đầu tư cho các giải pháp công nghệ, qua đó số hóa quy trình khai thác cấp đơn, bồi thường và nâng cấp hệ thống bảo hiểm lõi…
Để gia tăng nguồn lực cho chuyển đổi số, MIC dự kiến tăng vốn điều lệ từ 1.664,5 tỷ đồng lên 1.930,5 tỷ đồng qua chi trả cổ tức năm 2022, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP). Bên cạnh đó, MIC sẽ cùng Ngân hàng TMCP Quân đội - ngân hàng mẹ hiện nắm hơn 62% vốn của MIC tìm kiếm các đối tác có uy tín, thương hiệu và kinh nghiệm phát triển bán lẻ, có khả năng hỗ trợ Tổng công ty về mặt quản trị, chiến lược, phát triển công nghệ thông tin.
Theo đó, MIC sẽ lựa chọn các đối tác đáp ứng được 4 tiêu chí gồm: nhà đầu tư tổ chức/cá nhân trong và ngoài nước có uy tín, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường tài chính, có kinh nghiệm phát triển bán lẻ, kênh bán; cam kết và chứng minh năng lực tài chính đảm bảo việc thanh toán số lượng cổ phần được chào bán; cam kết hợp tác ít nhất 3 năm, có khả năng hỗ trợ công ty về quản trị, hoạch định chiến lược và kế hoạch tài chính; có năng lực xây dựng và triển khai sản phẩm đa dạng, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng sự phát triển của MIC với mục tiêu top 3 thị phần.
Trở lại câu chuyện thoái vốn, được biết, đối với Bảo Việt, tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6/2022, các cổ đông đã chất vấn Đoàn chủ tịch về giải pháp nâng vốn của Tập đoàn, định hướng về tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn và kế hoạch cổ phần hóa các công ty con ở lĩnh vực bảo hiểm trong thời gian tới. Ở góc độ khác, có lẽ việc được nới room ngoại lên 100% cũng sẽ góp phần “mở đường” cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Bảo Minh.
PTI hiện có 2 nhóm cổ đông lớn nhất là VNDirect và các cổ đông theo ủy quyền (chiếm 42,33%) và Công ty Bảo hiểm DB - Hàn Quốc (chiếm 37,32%).
Tại Tổng công ty Bảo hiểm PVI, HDI Global SE (Tập đoàn Bảo hiểm Talanx sở hữu 100% vốn điều lệ) nắm giữ hơn 38% vốn điều lệ; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 35% vốn điều lệ; Funderburk Lighthouse Ltd sở hữu 12,5%...
Bảo Minh có các cổ đông lớn gồm SCIC đang sở hữu 50,70% số cổ phần; Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm AXA sở hữu 16,65%; Tập đoàn Chevalier sở hữu 5,65%...
Tại PJICO, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang sở hữu 40,95% cổ phần; Samsung Fire & Marine Insurance Company Ltd sở hữu 20 %; Ngân hàng Vietcombank sở hữu 8,03%…
Với Bảo Việt, Bộ Tài chính đang nắm giữ 65,03% cổ phần; Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sumitomo đang nắm 22,09% cổ phần; còn lại là các cổ đông khác.
Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC), Ngân hàng BIDV đang sở hữu 50,95% cổ phần, Fairfax Asia Ltd. nắm giữ 35,00%...