“Doanh nghiệp bảo hiểm được quyền tự do đầu tư, kinh doanh, Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ cấm hoặc hạn chế một số ít lĩnh vực nhằm bảo đảm an toàn cho thị trường bảo hiểm”, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), |
Lĩnh vực bảo hiểm liên tục tăng trưởng kể cả khi kinh tế gặp khó khăn. Vì vậy, kênh đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm vào nền kinh tế vô cùng quan trọng…
Đúng là ngay cả khi hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung gặp khó khăn, thì lĩnh vực bảo hiểm vẫn duy trì được đà tăng trưởng ở mức 2 con số. Đơn cử, năm 2020 và năm 2021, do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều giảm tốc hoặc tăng trưởng âm, thì bảo hiểm vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, nhờ đó, doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Lĩnh vực bảo hiểm đã và đang đầu tư vô cùng lớn vào nền kinh tế, song hoạt động đầu tư chưa đa dạng do giới hạn bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành từ năm 2000. Vì vậy, Nghị quyết 39-NQ/TW (ngày 15/1/2019) về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã đặt ra yêu cầu phải phải khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 để kịp thời đưa luật vào cuộc sống kể từ ngày 1/1/2023.
Vậy khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế bằng cách nào, vì doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ, thưa ông?
Mặc dù Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư ở Việt Nam, như đầu tư mua trái phiếu chính phủ; mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản; góp vốn vào các doanh nghiệp khác; cho vay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Nhưng việc đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm, nên Luật giao Chính phủ quy định cụ thể danh mục đầu tư.
Để khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư mạnh hơn nữa vào nền kinh tế theo yêu cầu của Nghị quyết 39-NQ/TW, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 bỏ quy định về danh mục đầu tư.
Một đột phá nữa đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm là từ năm 2023, không cấm đầu tư ra nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện về tài chính và quản lý ngoại hối. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập hoặc góp vốn thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài; mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đây là nội dung rất mới, nên Luật giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể và Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, trong đó có nội dung này.
Doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn nhàn rỗi và các nguồn hợp pháp khác để đầu tư. Vậy nếu không hạn chế, trong trường hợp xảy ra rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, thì sẽ có rất nhiều người bị ảnh hưởng?
Trước đây, cần phải hạn chế vì tiềm lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm còn nhỏ, hơn nữa, so với thế giới, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất non trẻ. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, thị trường bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã đủ lớn mạnh, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có sự tham gia của hầu hết tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới, nên việc ban hành danh mục đầu tư không còn phù hợp.
Vì vậy, từ năm 2023, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm theo nguyên tắc “chọn bỏ”, thay vì “chọn cho” như hiện nay. Theo đó, đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn, thanh khoản, hiệu quả; tuân thủ quy định pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư; dự phòng nghiệp vụ chỉ được đầu tư tại Việt Nam.
Để bảo đảm an toàn cho thị trường bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm không được vay để đầu tư, ủy thác đầu tư vào chứng khoán, góp vốn vào doanh nghiệp khác; không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm cũng không được phép đầu tư kim khí quý, đá quý; đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ một số ít trường hợp.
Thế còn đối với bất động sản thì sao, thưa ông?
Một lĩnh vực “chọn bỏ” nữa là kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh...
Kể từ năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm được tự do đầu tư ngoài những lĩnh vực cấm nêu trên. Nhưng để bảo đảm an toàn, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, trong mỗi lĩnh vực, doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư tối đa là bao nhiêu để phân tán rủi ro, tránh trường hợp “bỏ trứng vào một rổ”.