Tài chính - Chứng khoán
Nhà đầu tư trái phiếu cần thêm “menu” để lựa chọn
Thủy Triều - 07/01/2025 08:29
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings (tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập nội địa đầu tiên được Bộ Tài chính cấp giấy phép hoạt động) cho rằng, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có chất lượng tín nhiệm tương đối cao để nhà đầu tư đánh giá được giá trị của trái phiếu và có thêm “menu” để lựa chọn.
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings

Ông nhìn nhận thế nào về diễn biến thị trường trái phiếu trong năm 2024?

So sánh lượng phát hành năm 2024 với năm 2022-2023, thì thấy thị trường chưa thực sự có đột biến. Tuy nhiên, đã xuất hiện các tín hiệu tích cực hơn khi các doanh nghiệp phát hành có chiều hướng chú trọng hơn và bắt đầu huy động các nguồn vốn mới để tái cấu trúc doanh nghiệp, triển khai dự án được tháo gỡ khó khăn, tái trả nợ…

Một dấu hiệu khác với mọi năm là số doanh nghiệp phát hành ra thị trường trái phiếu công chúng có phần tăng hơn so với phát hành riêng lẻ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang có kế hoạch tiếp tục đánh giá xếp hạng để chuẩn bị huy động vốn trong quý I và quý II/2025.

Với các dấu hiệu trên, tôi cho rằng, thời khắc khó khăn nhất của trái phiếu đã qua đi, thị trường từng bước phục hồi và ổn định, nhưng chưa rõ nét, chưa thực sự bền vững.

Theo ông, áp lực trên thị trường trái phiếu trong năm 2025 sẽ như thế nào?

Theo số liệu của chúng tôi, áp lực đáo hạn của năm 2025 vẫn tương đối cao, tương đương năm 2024 và tiếp tục ở mức cao trong giai đoạn 2026 - 2027. Trong năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã thành công trong kéo dài kỳ hạn trả gốc lãi trái phiếu, đẩy áp lực sang năm 2025 -2026. Số lượng này cùng với giá trị đáo hạn từ trước khiến giai đoạn này gặp áp lực không nhỏ về đáo hạn trái phiếu.

Thị trường trái phiếu hiện nay có 3 vấn đề chính.

Thứ nhất là niềm tin thị trường. Thông qua các chính sách của cơ quan quản lý, các chế tài xử lý sai phạm của các vụ bê bối vừa qua cũng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Thứ hai là chất lượng của nhà phát hành. Trên thực tế, các tổ chức phát hành đang cố gắng hồi phục, nhưng khả năng vượt qua khó khăn vẫn chưa thực sự mạnh, mà vẫn chỉ đang trong giai đoạn “chữa lành bệnh” để duy trì tồn tại.

Thứ ba là chất lượng thông tin cung cấp ra thị trường. Theo quy định pháp luật, chỉ có một số đối tượng phải xếp hạng mới được phát hành khiến nhiều thông tin chưa minh bạch, chưa được cung cấp khách quan cho thị trường. Tỷ lệ phải xếp hạng tín nhiệm trên thị trường chưa cao so với số lượng thực tế phát hành ra thị trường.

Những quy định mới liên quan đến trái phiếu của Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tác động thế nào đến cung - cầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025?

Luật Chứng khoán sửa đổi khi đi vào có hiệu lực còn phải tính đến độ trễ của chính sách khi thẩm thấu vào thị trường. Do đó, xu hướng cung - cầu trên thị trường cần thêm thời gian để hình thành rõ nét hơn. Tuy nhiên, tôi cũng kỳ vọng vào chính sách mới này trên nhiều góc độ.

Thứ nhất là tăng thêm yếu tố an toàn hơn cho nhà đầu tư bằng các tài sản đảm bảo hoặc có bảo lãnh ngân hàng hoặc có tài sản đảm bảo đi kèm được xếp hạng tín nhiệm. Theo thông lệ thế giới, đây là vấn đề minh bạch hóa thông tin, đi cùng đó nhà đầu tư tự quyết định được khẩu vị rủi ro của mình.

Thứ hai là chất lượng của nhà đầu tư và bên phát hành từng bước được nâng cao. Trên thế giới, phần lớn các doanh nghiệp có xếp hạng mức độ 4 trở lên mới phát hành thành công. Còn ở Việt Nam, trước nay, gần như chỉ có chạy đua về lãi suất là chủ yếu, còn yếu tố về rủi ro lại xem nhẹ. Các doanh nghiệp phát hành phải có chất lượng tín nhiệm tương đối cao để nhà đầu tư đánh giá được giá trị của trái phiếu, rủi ro thấp đi và có nhiều “menu” để lựa chọn.

Thứ ba là nhận thức của nhà đầu tư với các tổ chức tham gia là thành viên của thị trường sẽ đồng hành để nâng cao chất lượng của thị trường.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà phân tích đưa ra kỳ vọng về các ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2025, trong đó có bất động sản. Liệu triển vọng của các ngành nghề đó có lan tỏa tốt sang thị trường trái phiếu không?

Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi, các phân khúc nóng lên dần. Với áp lực giải ngân đầu tư công, các lĩnh vực phục vụ bất động sản, xây dựng hạ tầng cũng phát triển trở lại và dần có nhu cầu huy động vốn. Tôi kỳ vọng, việc phục hồi nền kinh tế sẽ tác động lên ngành bất động sản và xây dựng. 

Tôi đặc biệt đặt niềm tin vào các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ. Dù tỷ trọng phát hành của nhóm doanh nghiệp này trên thị trường còn rất ít ỏi, song nhìn về tương lai, với tốc độ chuyển đổi số, triển vọng từ việc các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như NVIDIA đến Việt Nam và chính sách thúc đẩy, ngành công nghệ sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Đi theo đó là nhu cầu vốn để doanh nghiệp tham gia các ngành công nghệ mới. 

Thêm nữa, khi nền kinh tế phát triển, sản xuất - kinh doanh liên quan đến xuất khẩu sẽ có tiến triển tích cực, hàng hóa sản xuất gia công, xuất nhập khẩu, cảng biển hay các lĩnh vực khác cũng có nhu cầu phát hành trái phiếu để chuẩn bị nguồn tiền.

Tin liên quan
Tin khác