Tài chính - Chứng khoán
VN-Index thủng mốc 1.250 điểm, khối ngoại trở lại mua ròng
Tùng Linh - 06/01/2025 17:43
Sau phiên giảm sâu tuần trước, tâm lý tiêu cực từ các nhà đầu tư khiến áp lực bán lan rộng đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Một số cổ phiếu ngân hàng tăng, nhưng chưa đủ để "gánh" thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng không "gánh" được thị trường

Trong phiên giao dịch đầu tuần 6/1, dù giao dịch vẫn diễn ra khá chậm do tâm lý nhà đầu tư còn nhiều e dè, thị trường vẫn ghi nhận sự hồi phục tích cực của các cổ phiếu thuộc nhóm VN30, trong đó nổi bật là nhóm ngân hàn. Chính điều này đã giúp VN-Index dần lấy lại đà tăng và thu hẹp biên độ giao động sau một khoảng thời gian mở cửa khá rung lắc. Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index diễn ra khá hẹp do lực cầu vẫn duy trì ở mức thấp.

Lực cung dâng cao dần về cuối giờ giao dịch sáng đã khiến chỉ số thu hẹp đà tăng. Sang đến thời gian giao dịch buổi chiều, thị trường diễn biến giằng co trong khoảng nửa phiên chiều. Diễn biến bất ngờ đã xảy ra sau thời điểm 14h chiều với áp lực bán mạnh dâng lên rất cao. Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc và tạo áp lực rất lớn lên thị trường chung. Dù nhiều nhóm ngành cổ phiếu lao dốc nhưng chỉ số rơi không quá sâu do nhận được lực đỡ tốt từ một số cổ phiếu ngân hàng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,24 điểm (-0,66%) xuống 1.246,35 điểm. HNX-Index giảm 2,71 điểm (-1,2%) xuống 222,95 điểm. UPCoM-Index giảm 0,72 điểm (-0,76%) xuống 93,62 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận đến 504 mã giảm giá, 22 mã giảm sàn, trong khi chỉ có 182 mã tăng, 20 mã tăng trần và có 880 mã đứng giá. Trong nhóm VN30 phiên hôm nay chỉ có 8 mã tăng giá, nhưng đây cũng chính là các cổ phiếu góp công lớn trong việc kìm hãm đà giảm của thị trường chung và tránh xảy ra việc bán tháo. BID tăng 1,6% và đóng góp 1 điểm cho VN-Index. VCB tăng 0,98% và đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,22 điểm. Bên cạnh đó, FPT, VPB, STB… đều tăng tương đối tốt. 

Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index.

Nhóm cổ phiếu đi ngược thị trường phiên hôm nay là Viettel trong đó, VTP được kéo lên mức giá trần bất chấp sự rung lắc của thị trường chung. Bên cạnh đó, VGI tăng 2,3% còn CTR tăng 1,5%.

Ở hướng ngược lại, MSN, GVR, MWG, SAB, BVH và HPG là các cổ phiếu trong nhóm VN30 giảm trên 2%. MSN là mã có tác động xấu nhất lên VN-Index khi lấy đi 0,91 điểm. Chốt phiên, MSN giảm 3,6%. GVR giảm 3% và cũng lấy đi 0,87 điểm của VN-Index. HPG giảm 2,1% và cũng lấy đi 0,85 điểm.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu như CSM, YEG hay NHA đều bị kéo xuống mức giá sàn. Tại nhóm thép, việc HPG giảm sâu cũng khiến áp lực bán lan tỏa rộng đến cả nhóm ngành này. VGS giảm 6,3%, NKG giảm hơn 3%, HSG giảm 2,2%.

Nhóm cổ phiếu dệt may, phân bón, hóa chất, thủy sản… cũng đi theo xu hướng thị trường chung dù được cho là hưởng lợi từ tỷ giá. Trong đó, GIL giảm sàn, TNG giảm 4,7%, MSH giảm 4,2%, VGT giảm 4%, LAS giảm 8%, DDV giảm 6,5%, CSV giảm 4%.

Điểm sáng khối ngoại mua ròng

Khối ngoại trở lại mua ròng.

Thanh khoản thị trường ở mức tương phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 565 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 13.700 tỷ đồng (giảm nhẹ 0,4% so với phiên trước), trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1.530 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt 993 tỷ đồng và 543 tỷ đồng.

FPT là mã đứng đầu về giao dịch trên HoSE với giá trị 518 tỷ đồng. HPG và MBB giao dịch lần lượt 403 tỷ đồng và 359 tỷ đồng.

Khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng khoảng 150 tỷ đồng. Trong đó, STB được mua ròng mạnh nhất với 83 tỷ đồng. VTP và DHT được mua ròng lần lượt 48 tỷ đồng và 33 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 39 tỷ đồng. VNM và GMD bị bán ròng lần lượt 38 tỷ đồng và 27 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác