Sản lượng hàng hóa tăng nhanh hơn trong tháng 5 nhờ cú hích của lượng đơn đặt hàng mới. |
Sáng 3/6, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 5/2024, với điểm nhấn nổi bật: Sản lượng ngành sản xuất tăng tháng thứ hai liên tiếp; việc làm tiếp tục giảm; chi phí đầu vào tăng ở mức cao.
Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index™ (PMI®) ngành sản xuất của Việt Nam không thay đổi khi đạt 50,3 trong tháng 5, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành đã cải thiện nhẹ tháng thứ hai liên tiếp. Sức khỏe của ngành sản xuất chỉ thay đổi nhẹ trong năm tháng đầu của năm 2024.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 khi tình trạng nhu cầu mạnh lên đã giúp các doanh nghiệp thu hút được khách hàng mới và các đơn đặt hàng mới.
Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng nhẹ. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất nâng cao sản lượng tháng thứ hai liên tiếp, đồng thời cũng là nhanh nhất kể từ tháng 9/2022.
Trái ngược với đơn hàng mới và sản lượng gia tăng, Báo cáo cho biết, các nhà sản xuất có số lượng việc làm giảm tháng thứ hai liên tiếp vào thời điểm giữa quý II.
Theo những người tham gia khảo sát, tình trạng thôi việc và vắng mặt kéo dài của nhân viên là nguyên nhân dẫn đến giảm việc làm, với mức giảm lần này là mạnh và đáng kể nhất trong gần một năm.
Bất chấp số lượng nhân viên giảm, các doanh nghiệp vẫn thu xếp giải quyết lượng công việc cần thực hiện trong tháng 5, nhờ đó, lượng công việc tồn đọng giảm sau khi tăng nhẹ trong kỳ khảo sát trước.
Chỉ dấu về tình hình sản xuất là hoạt động mua hàng trong tháng 5 tiếp tục tăng so với tháng trước. Tuy nhiên, những công ty mua hàng hóa đầu vào phải đối mặt với tình trạng tăng giá mạnh, bởi giá dầu và nhiên liệu tăng.
Chi phí đầu vào tăng mạnh đã khiến giá bán hàng tăng. Tốc độ tăng giá lần này là một trong hai tốc độ nhanh nhất trong 15 tháng, ngang với mức được ghi nhận trong tháng 10/2023.
Xung đột địa chính trị, căng thẳng Biển Đỏ đã tác động đến, thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã bị kéo dài một chút trong tháng 5. Trong khi đó, tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đều tiếp tục giảm, các kế hoạch mở rộng nhà máy, việc đưa ra các sản phẩm mới và triển vọng tiếp tục tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã hỗ trợ cho niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới.
Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence phân tích: “Dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global là không đồng nhất. Ở khía cạnh tích cực, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khi có các dấu hiệu cho thấy nhu cầu duy trì tăng, từ đó khiến sản lượng tăng mạnh hơn trong tháng 5".
Tuy nhiên, ông Andrew Harker lại lưu ý về số lượng việc làm và áp lực lạm phát. Việc làm tiếp tục giảm mạnh, từ đó có thể khiến năng lực sản xuất của các công ty bị hạn chế. Cùng đó, tốc độ tăng chi phí là nhanh nhất trong thời gian gần hai năm, từ đó khiến giá cả đầu ra tăng.
Những diễn biến này có thể có tác động hạn chế nhu cầu trong những tháng tới, dù vậy, lúc này các doanh nghiệp vẫn lạc quan về tương lai khi số lượng đơn đặt hàng mới gia tăng, từ đó co thể khắc phục những tác động ngược chiều đang ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của hoạt động kinh doanh.