Không chỉ cân đối ngân sách nhà nước mà cân đối hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác đều đang đi trên dây. Nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận định như vậy khi thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 2011-2015 và kế hoạch 2016-2020.
Còn nhớ, tại Phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII - Phiên họp thứ 46, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng thừa nhận, việc cân đối ngân sách nhà nước chẳng khác nào đi trên dây, không cẩn thận chắc chắn bị ngã.
“Mình tính toán năm nay thu được chừng này, cả nhiệm kỳ thu được chừng này. Thu được bao nhiêu theo dự kiến thì cũng dự kiến chi bấy nhiêu, nhưng khó có thể ước lượng được chính xác số thu, vì nguồn thu ngân sách có sự đóng góp rất lớn từ dầu thô và các hoạt động liên quan đến xăng dầu. Trong khi đó giá dầu thô và xăng dầu mình không quyết định được”, ông Dũng phân trần và cũng không quên đố chuyên gia kinh tế nào dự đoán được giá dầu thô diễn biến thế nào trong thời gian tới.
Khi thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 2011-2015 và kế hoạch 2016-2020 vào sáng nay (ngày 24/3), Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Bùi Đức Thụ thẳng thắn cho rằng, không chỉ cân đối ngân sách, mà cân đối các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như nợ công, bội chi, nợ chính phủ, cán cân thương mại… cũng đang đi trên dây, thậm chí là đang rất mất thăng bằng trên dây.
“Giờ chỉ cần một giọt nước rơi vào là sẽ ngã vì chúng ta đang rất mất thăng bằng”, ông Thụ cảnh báo.
Đơn cử, cân đối xuất-nhập khẩu, năm 2011 nhập siêu tới 9,8 tỷ USD, thì ngay lập tức năm 2012 chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Năm 2014, đang xuất siêu 2,4 tỷ USD thì năm 2015 lại chuyển sang nhập siêu tới 3,5 tỷ USD, tương đương 2,18% kim ngạch xuất khẩu, trong đó, khu vực doanh nghiệp nội địa đóng góp vào nhập siêu tới 20,5 tỷ USD.
Việc mất cân đối cán cân thương mại năm 2015, theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là do giá dầu thanh toán giảm 47% so với giá dự toán khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 3,4 tỷ USD. Giá xuất khẩu mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, café, cao su, thủy sản giảm góp phần làm giảm kim ngạch xuất 2,4 tỷ USD nữa.
Bội chi ngân sách năm 2015 cán đích ở mức 6,1% - tăng khá cao so với dự toán là 5% mặc dù tổng mức bội chi vẫn chỉ có 256.000 tỷ đồng, tức là không tăng so với mức đã được Quốc hội “chuẩn y”.
“Về giá trị tuyệt đối, bội chi không thay đổi, nhưng do CPI (chỉ số giá tiêu dùng) năm 2015 chỉ tăng 0,6% so với năm 2014 và thấp hơn rất nhiều so với CPI dự kiến là 5% nên tính theo giá hiện hành, GDP bị giảm vì thế bội chi tăng cao”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải thích.
“Kiểm soát, kiềm chế CPI đúng là có sự quyết tâm chỉ đạo, quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là do giá dầu thế giới giảm mạnh; giá hàng nông sản trên thế giới giảm mạnh. Tương tự như vậy, nợ xấu được coi là an toàn, nhưng thực ra là chỉ chuyển nợ xấu từ các tổ chức tín dụng sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Khi nền kinh tế có biến động xấu thì CPI, nợ xấu ngay lập tức tăng trở lại. Nói chung, cân đối các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hiện hết sức bấp bênh”, ông Bùi Đức Thụ nhận định.
Muốn cân đối các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hết bấp bênh, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bắt buộc phải đẩy cải cách thể chế. “Nhưng thể chế là cái gì, cải cách thể chế là cải cách cái gì thì đến giờ này vẫn còn nhiều cách hiểu rất khác nhau, tiếp cận khác nhau, nhận thức khác nhau”, ông Phúc băn khoăn trước rất nhiều lời kêu gọi của các chuyên gia kinh tế, tổ chức tài chính và cộng đồng doanh nghiệp yêu cầu phải cải cách thể chế.
Cải cách thể chế, theo ông Phúc không đơn thuần là xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ luật cho tới nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị, mà quan trọng hơn là phải cải cách thể chế phi chính thức.
Thể chế phi chính thức, theo cách hiểu của ông Phúc đó là lề lối, tác phong làm việc của bộ máy quản lý nhà nước; là thói quen, tập quán, phong tục, hành vi ứng xử hàng ngày của tất cả người dân chứ không riêng gì công chức, viên chức.
“Chúng ta có luật giao thông, có luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, tức là có đầy đủ thể chế chính thức. Nhưng người dân đi xe máy không đội mũ, vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều thì bao giờ mới thay đổi được. Thể chế chính thức dễ thực hiện, thể chế phi chính thức khó thay đổi sẽ kéo theo hàng loạt chỉ tiêu khác bị vỡ như tai nạn giao thông, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…”, ông Phúc phát biểu.
Dẫn chứng vụ các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối “nhập nhèm” trong xác định giá cơ sở vì nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc chỉ phải chịu thuế nhập khẩu 10% thay vì 20% nếu nhập khẩu ở thị trường khác nên đã “móc túi” người tiêu dùng hàng ngàn tỷ đồng, ông Thụ cho rằng, mất cân đối cácchỉ tiêu kinh tế vĩ mô không chỉ do chịu tác động từ kinh tế thế giới, từ thể chế chính thức chưa rõ ràng, minh bạch, thể chế phi chính thức khó có thể bỏ ngay mà còn do bị chính một số doanh nghiệp độc quyền lợi dụng kẽ hở chính sách.
Theo ông Thụ, nếu báo chí không kịp thời phát hiện tình trạng “nhập nhèm” trong xác định giá cơ sở vừa qua thì giá xăng dầu sẽ tăng mạnh, kéo theo nhiều cân đối vĩ mô vốn dĩ bấp bênh sẽ bị ảnh hưởng, trước hết là CPI.