Còn thiếu các trung tâm logistics quy mô lớn
Sáng 31/10, Báo Đầu tư tổ chức Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” tại TP.HCM.
Trong thời gian gần đây, sự đổ bộ của sàn thương mại điện tử Temu, Shein, Taobao… nói riêng và các mặt hàng được nhập vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc nói chung được vận chuyển với tốc độ nhanh không tưởng với giá “rẻ như cho”. Đây là câu hỏi rất lớn của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người tiêu dùng rằng “Tại sao Trung Quốc lại làm được như vậy?”
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Lê Toàn |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, trước hết Trung Quốc đã xây dựng chiến lược phát triển các ngành nói chung, trong đó có ngành logistics rất tốt. Và xét ở khâu triển khai, quốc gia này cũng đang thực hiện khá hiệu quả.
Trong đó, có thể thấy vai trò rất lớn từ sự hỗ trợ của Nhà nước Trung Quốc, vừa điều tiết thị trường, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp tiến ra thị trường nước ngoài.
“Đây là sự khác biệt tạo nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc đối với các ngành nói chung và logistics nói riêng. Qua một quá trình, các doanh nghiệp này đã tích luỹ và trở thành doanh nghiệp lớn, toàn cầu và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới. Vì vậy, khi đổ bộ vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp này có rất nhiều lợi thế, đã và đang khai thác thị trường rất tốt”, ông Trần Thanh Hải nhận định.
Trong bối cảnh hiện nay, lượng hàng người tiêu dùng Việt Nam đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt là từ Trung Quốc đều là những sản phẩm Việt Nam có thể sản xuất. Tuy nhiên, hàng nhập về Việt Nam có giá rẻ hơn rất nhiều nhờ chi phí logistics thấp. Như vậy, câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp Việt thu hẹp khoảng cách này được đặt lên hàng đầu, bởi nếu không làm được, sớm thì muộn, các ngành sản xuất trong nước sẽ khó tồn tại được nữa.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, các trung tâm logistics là một phần quan trọng trong kết cấu hạ tầng logistics nói chung, đóng vai trò kết nối với các hạ tầng giao thông như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường sắt… Tuy nhiên, sự phát triển của các trung tâm logistics trong thời gian qua ở Việt Nam còn khá manh manh mún và tự phát.
Các trung tâm logistics hiện nay đang chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước là chính với hạ tầng khá đơn giản. Chúng ta vẫn thiếu các trung tâm quy mô lớn, chuyên ngành, chuyên dụng, hoạt động hiện đại, có tác động đến thị trường và có sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp logistics với nhau như trung tâm logistics nông sản lớn, kho lạnh lớn… phục vụ việc lưu trữ, phân phối hàng hoá để đưa đến các hệ thống siêu thị, bán lẻ. Đồng thời, góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hàng hoá xuất khẩu.
“Doanh nghiệp nội địa chưa đủ sức và gần đây, chúng tôi nhìn thấy một số mô hình mới của các nhà đầu tư nước ngoài, giúp cho các trung tâm logistics tại Việt Nam được hiện đại hoá. Vì vậy, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có các trung tâm logistics quy mô lớn, hiện đại, nhiều chức năng, qua đó doanh nghiệp Việt sẽ tăng khả năng học hỏi, vận dụng”, ông Hải chia sẻ.
Toàn cảnh Phiên thảo luận 1: Đối diện những thách thức mới. Ảnh: Lê Toàn |
Cơ hội từ các khu thương mại tự do
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, khu thương mại tự do sẽ là một trong những giải pháp trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy ngành logistics phát triển.
Thông qua việc có các trung tâm thương mại, hội chợ lớn, ngoài cho phép doanh nghiệp sản xuất được thiết lập cơ sở, đưa hàng hoá vào và chưa chịu sự kiểm soát của thuế quan, quản lý hành chính khác… thì khu thương mại tự do còn cho phép thiết lập cở sở, dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistics như chia tách, đóng gói, thực hiện các dịch vụ giá trị gia tăng…
“Đây là điểm tạo ra sức hút, bởi việc cho phép hình thành khu thương mại tự do sẽ góp phần đưa hàng hoá của các nước trung chuyển đến Việt Nam và sử dụng dịch vụ logistics của chúng ta. Hiện nhiều địa phương đã có sự quan tâm và mong muốn được triển khai khu thương mại tự do. Chính phủ đã cho phép Đà Nẵng thí điểm, sắp tới đây Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có những đề xuất tương tự”, ông Hải cho hay.
Ngoài những địa phương có lợi thế về cảng biển, ông Hải thông tin, các địa phương có hạ tầng tốt, luồng hàng hóa giao thương mạnh như Đồng Nai với Sân bay Long Thành đang xây dnwgj, cửa khẩu biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Tây Ninh… cũng là những lợi thế rất tốt để chúng ta triển khai khu thương mại tự do trong thời gian tới.
Một câu chuyện rất thời sự là, hiện nay, cả thế giới đang rất quan tâm đến kết quả bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ. Việc ai thắng cử và những chính sách về thương mại quốc tế của tân Tổng thống Hoa Kỳ cũng được đánh giá và dự báo có tác động rất lớn đến dòng chảy thương mại toàn cầu nói chung và ngành logistics nói riêng.
“Ngoài bầu cử tại Hoa Kỳ thì còn có thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… sẽ có tác động rất lớn đến ngành logistics. Do đó, các doanh nghiệp logistics nên có nhận định, đánh giá trên cơ sở tham khảo từ các nhà phân tích để có kịch bản thích ứng trong các trường hợp biến động, có sức chống chịu cao”, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo.