Bốn tháng trước, bệnh nhân xuất hiện cơn đau ngực, khó thở, vã mồ hôi kèm tê tay chân. Sau 10 phút cơn đau giảm, triệu chứng kèm theo biến mất. Ông nghĩ tình trạng không nghiêm trọng nên không đi khám.
Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Tỷ lệ này gấp đôi số người qua đời vì bệnh ung thư, và đây cũng là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất hiện nay. |
Trước nhập viện một ngày, bệnh nhân tái phát triệu chứng tương tự. Ông tự vỗ ngực vài lần thì đỡ, nhưng một lúc sau đau ngực trở lại. Lần này cơn khó thở nghiêm trọng hơn, bệnh nhân mệt nhiều, choáng váng suýt ngất. Huyết áp đo tại nhà xấp xỉ 160/110 mmHg. Ông đến bệnh viện khám.
Theo các bác sỹ bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim từ 4 tháng trước. Nay triệu chứng trở lại, gợi ý bệnh lý mạch vành dẫn tới thiếu máu cơ tim, khiến bệnh nhân đau ngực, khó thở.
Bệnh nhân được chụp mạch vành, kết quả hai trong ba nhánh mạch máu nuôi tim (mạch vành phải và động mạch mũ) tắc hoàn toàn, nhánh còn lại (động mạch liên thất trước) hẹp nặng 90%.
Nếu chậm trễ một thời gian nữa, nhánh mạch vành còn lại cũng tắc, chặn hoàn toàn nguồn máu chính nuôi tim, nguy cơ đột tử do nhồi máu cơ tim là rất lớn.
Bác sỹ Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đánh giá, nhồi máu cơ tim (MI), thường được gọi là cơn đau tim, là biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm, xảy ra khi do một hay nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn, lưu lượng máu đến một phần cơ tim bị giảm hoặc ngừng hoàn toàn gây thiếu máu cơ tim đột ngột và hoại tử vùng cơ tim bị thiếu máu.
Theo bác sỹ Minh, nhồi máu cơ tim có thể xuất hiện đột ngột nhưng đôi khi có dấu hiệu cảnh báo trước đó vài giờ, vài ngày, thậm chí vài tháng như trường hợp nam bệnh nhân nêu trên.
Các triệu chứng sớm bao gồm đau thắt ngực, nặng ngực, cơn đau lan lên cổ, hàm dưới, vai, cánh tay, vã mồ hôi, khó thở, cảm giác mệt mỏi bất thường, hoa mắt, chóng mặt, ợ nóng kèm khó tiêu (khó chịu vùng thượng vị), buồn nôn, tim đập nhanh, ngất xỉu.
Để phát hiện sớm nguy cơ nhồi máu cơ tim, cần thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần, đặc biệt đối với đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao (người lớn tuổi, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiền căn sử dụng chất kích thích…).
Sau khi điều trị kiểm soát thành công nhồi máu cơ tim, việc tái khám sau điều trị ban đầu vẫn rất quan trọng nhằm đảm bảo theo dõi sức khỏe của người bệnh và có hướng dự phòng nếu phát hiện khả năng tái phát.
Trong thời gian này, người bệnh cần tuân thủ chế độ sinh hoạt điều độ, dinh dưỡng đầy đủ, thay đổi lối sống lành mạnh và uống thuốc theo chỉ định.
Các bác sỹ khuyến cáo ngay cả khi cấp cứu và điều trị thành công, nhồi máu cơ tim vẫn có thể xuất hiện trở lại. Vì vậy bản thân người bệnh và những người xung quanh cần hết sức thận trọng.
Khi nhận thấy người bệnh có những dấu hiệu nhồi máu cơ tim điển hình, bản thân người bệnh hoặc người nhà cần nhanh chóng liên hệ với các bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, kiểm tra và điều trị.
Bệnh nhân nhồi máu cơ tim tuyệt đối không chần chừ đến viện hoặc tự ý thực hiện các mẹo dân gian, bài thuốc tại nhà khi khởi phát dấu hiệu bệnh nhồi máu cơ tim cấp.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim là cấp cứu khẩn, nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là 50%.
Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Tỷ lệ này gấp đôi số người qua đời vì bệnh ung thư, và đây cũng là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất hiện nay.
Có 13 biểu hiện nhồi máu cơ tim phổ biến gồm: Vùng ngực bị đau như có bị đè nén (nặng ngực); cảm giác đau mỏi khó chịu lan từ hàm đến lưng hoặc bụng; đổ mồ hôi lạnh (vã mồ hôi); cảm giác mệt mỏi bất thường là biểu hiện nhồi máu cơ tim; khó thở, nặng ngực, đôi khi hụt hơi; ợ nóng đi kèm khó tiêu (khó chịu ở vùng thượng vị); hoa mắt, chóng mặt đột ngột; cảm giác buồn nôn.
Người bệnh có cảm giác hồi hộp, lo lắng hơn bình thường (cảm giác bồn chồn), tim đập nhanh là triệu chứng nhồi máu cơ tim thường gặp, mất nhận thức, tụt huyết áp đột ngột, ngất xỉu.
Việc xử trí ban đầu rất quan trọng, do vậy khi phát hiện người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, cần nhanh chóng liên hệ ngay cấp cứu, đồng thời thực hiện các bước sơ cứu nhồi máu cơ tim tại chỗ.
Đầu tiên, giữ bệnh nhân ở tư thế ngồi hoặc nằm, nới lỏng quần áo, thắt lưng, tránh tụ chung quanh người bệnh, nên giữ thông thoáng không gian quanh người bệnh, giúp máu lưu thông dễ dàng.
Gọi điện thoại cấp cứu (115) ngay lập tức. Trường hợp không thể chờ xe cứu thương của bệnh viện gần nhất hỗ trợ, hãy chủ động thuê taxi hoặc tự chuyển người bệnh đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất.
Cho bệnh nhân nhai/nuốt một viên aspirin trong khi chờ xe cấp cứu nếu bác sĩ cho phép. Aspirin có tác dụng ngăn ngừa tình trạng đông máu, giảm tổn thương tim. Lưu ý, không dùng aspirin cho bệnh nhân dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Trường hợp bệnh nhân bất tỉnh và không còn thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (Hồi sinh tim phổi - CPR) càng sớm càng tốt vì mỗi 1 phút chậm trễ, người bệnh có thể mất đi 10% cơ hội được cứu sống.