Theo bằng sáng chế của Thoth do Mỹ cấp, tòa tháp tên Pembroke này sẽ cao gấp hơn 20 lần tòa tháp cao nhất thế giới, Burj Khalifa ở Dubai, có chiều cao 830m.
Trên đỉnh của Pembroke có một bệ phóng vệ tinh, tàu vũ trụ, cũng có thể phát triển du lịch, dành cho hoạt động quan sát, nghiên cứu khoa học và thông tin liên lạc.
Tòa tháp thiết kế hình trụ gồm các ngăn được điều áp và xếp chồng lên nhau. Các hộp thang máy được lắp ráp ở bên trong cấu trúc này.
Thoth cho biết dự án nếu thành công có thể giúp giảm 30% chi phí phóng tàu vũ trụ do việc di chuyển bằng thang máy sẽ loại bỏ hầu hết lực cản không khí và việc phóng tàu ở tầng bình lưu sẽ cần ít nhiên liệu hơn.
Ý tưởng về "thang máy lên vũ trụ" được nhà khoa học Nga Konstantin Tsiolkovsky đưa ra lần đầu tiên năm 1895 sau khi ông nhìn thấy Tháp Eiffel ở Paris, Pháp.
Một thế kỷ sau, nhà văn Arthur C. Clarke đã đưa ý tưởng này vào cuốn tiểu thuyết "The Fountains of Paradise" (1979) của ông. Việc biến ý tưởng này thành hiện thực luôn luôn vấp phải rào cản về kỹ thuật.
Theo tiểu thuyết của Clarke, thang máy được dùng để đưa tàu vũ trụ vào không gian, do đó cần phải có một sợi cáp dài 35.000 km, thứ không thể chế tạo bằng các vật liệu thời đó và một đối trọng với kích cỡ của một tiểu hành tinh.
Tuy nhiên, hiện nhiều hãng công nghệ đã có kế hoạch xây dựng chiếc thang máy này, trong đó hãng Obayashi của Nhật Bản với dự án đưa con người lên độ cao 36.000km so với mặt đất trong khoảng 7 ngày rưỡi bằng thang máy./.