Với sức chở lên đến 24.188 TEU, tổng chiều dài 399,99 mét và rộng 61,3 mét, cùng mớn nước tàu vào -15 mét và mớn nước tàu ra -15.5 mét, OOCL Spain được xếp hạng là một trong những siêu tàu container lớn nhất thế giới.
Đây là con tàu mới nhất vừa được xuất xưởng vào ngày 16/02/2023, có sức chở theo TEU nằm trong những tàu lớn nhất thế giới, được Cục Vận chuyển Hoa Kỳ (“ABS”) trao tặng 03 chứng nhận "Tàu thông minh (Smart Ship)" thân thiện với môi trường và là tàu container lớn nhất từ trước đến nay cập hệ thống cảng Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (người thứ 3, bên phải) nghe đại diện Cảng Quốc tế Gemalink giới thiệu về hệ thống cảng Gemalink (Ảnh: Lê Toàn). |
Đây là chuyến hành trình đầu tiên của tàu OOCL Spain trên tuyến Á - Âu LL3 với các cảng bao gồm: Thượng Hải – Hạ Môn – Nam Sa – Hồng Kông – Yantian – Cái Mép – Singapore – Piraeus – Hamburg – Rotterdam – Zeebrugge – Valencia – Piraeus – Abu Dhabi – Singapore – Thượng Hải. Hành trình kéo dài 84 ngày.
Việc hãng tàu OOCL lựa chọn Cảng Gemalink là một điểm kết nối tin cậy trong tuyến dịch vụ của hãng một lần nữa khẳng định năng lực của Cảng Gemalink trong việc tiếp nhận các thế hệ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các hãng tàu quốc tế, đồng thời củng cố hơn nữa vai trò quan trọng của cụm cảng nước sâu Cái Mép trên các tuyến hàng hải xuyên châu lục.
Khách VIP cùng ban lãnh đạo Gemalink chụp hình kỷ niệm cùng siêu tầu container lớn nhất thế giới (Ảnh: Lê Toàn). |
Phát biểu tại buổi lễ đón tàu, Ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch Cảng Quốc tế Gemalink và Phó Tổng giám đốc CTCP Gemadept, gửi lời tri ân sâu sắc đến hãng tàu Cosco-OOCL và các hãng tàu đối tác luôn tin tưởng, tín nhiệm Cảng Gemalink nói riêng và Gemadept nói chung trong suốt những năm qua. Với hệ sinh thái tích hợp Cảng và Logistics từ Bắc vào Nam, đặc biệt với mô hình cảng thông minh, bền vững “Smart and sustainable Port”, Gemadept luôn nỗ lực không ngừng để đảm bảo hoạt động khai thác an toàn, nhanh chóng và hiệu quả nhất, đồng thời đem đến cho các khách hàng những giá trị vượt trội.
Được biết, dự án Cảng Gemalink được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, là một trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động.
Ngày 9/1/2021, "siêu cảng" này đã chính thức đi vào hoạt động và tổ chức lễ đón chuyến tàu thương mại đầu tiên của hãng tàu CMA-CGM. Đến tháng 5/2021, cảng chính thức khai trương và khai thác thương mại. Đặc biệt, đến tháng 3/2022, Gemalink đã ghi dấu mốc son 1 triệu TEU thông qua cảng chỉ sau một năm vận hành, trở thành cảng đầu tiên trong lịch sử ngành khai thác cảng Việt Nam thiết lập kỷ lục mới này.
Theo tính toán của Gemadept, tại khu vực Cái Mép, Thị Vải, Gemalink chiếm 22% thị phần vào năm 2022. Trong năm 2023, Gemadept đang xúc tiến các thủ tục để có thể khởi công giai đoạn 2 của Cảng Gemalink để nâng công suất của Cảng lên gấp đôi, tương đương 3 triệu TEU/năm và tăng thị phần lên 30-35% tại khu vực Cái Mép, Thị Vải.
Thêm nữa, kể từ khi đi vào hoạt động, Cảng nước sâu Gemalink đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào và khai thác an toàn 2 triệu TEU hàng hóa XNK sau 2 năm đi vào hoạt động. Năng suất làm hàng cao nhất tại cảng Gemalink đạt 40.02 Cont/cẩu/giờ và 207.87 Cont/tàu/giờ.
Được biết, ngay khi đưa vào hoạt động, Cảng Gemalink đã có lãi liên tục, lãi này ngay lập tức bù đắp được các chi phí đầu tư trong giai đoạn 2019-2021. Cụ thể, CTCP Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link (đơn vị vận hành Cảng Gemalink) đã có lãi lũy kế trong năm 2021 là hơn 2 tỷ đồng và trong năm 2022 là hơn 83,9 tỷ đồng.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường và của các hãng tàu đối tác trong thời gian tới, Gemadept đang xúc tiến các thủ tục để có thể khởi công giai đoạn 2 của Cảng Gemalink trong năm 2023, nâng công suất của Cảng lên gấp đôi, tương đương 3 triệu TEU/năm, góp phần đưa Cái Mép trở thành một trung tâm trung chuyển quan trọng của khu vực trong tương lai.