Nấm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi, ít gặp ở người bình thường có sức đề kháng tốt. Bệnh hay gặp ở người suy giảm miễn dịch, già yếu, mắc bệnh mạn tính lâu ngày.
Việt Nam được ước tính có khoảng 55.000 người mắc nấm phổi, nhưng mới chỉ có dưới 5.000 người được tầm soát. |
Tỷ lệ bệnh nấm phổi chỉ chiếm 0,02% các bệnh phổi, tuy nhiên khi bị nấm phổi không phát hiện điều trị kịp thời, khả năng tử vong rất cao.
Bệnh phổi do nấm Aspergillus gây ra 3 nhóm bệnh: Nấm phổi xâm lấn, Nấm phổi mạn tính và Dị ứng phế quản phổi do nấm.
Trên thế giới, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau 1 năm, 5 năm, 10 năm tương ứng là 86%, 62%, 47%. Tỷ lệ mắc nấm phổi mạn tính ở bệnh nhân lao mới là 14% và lao đã điều trị 56%. Rất nhiều quốc gia không đủ nguồn lực để chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh nấm phổi là do các loại nấm: Candida, Aspergillus, Cryptococcus. Trong đó, hay gặp nhất là loại Aspergillus.
Hầu hết bệnh nhân thường đến khám vì ho ra máu kéo dài không rõ lý do, sốt kéo dài kèm đau ngực, ho khạc đờm kéo dài kèm khó thở như hen. Cùng với đó là các trường hợp chẩn đoán viêm phổi điều trị kháng sinh kéo dài không khỏi.
Bệnh nấm phổi do Aspergillus biểu hiện thầm lặng, không đặc hiệu. Điều này làm bệnh chẩn đoán chậm sau nhiều năm. Triệu chứng hay gặp là mệt mỏi, sụt cân, ra mồ hôi, ho, khó thở, ho ra máu.
Người bệnh được chẩn đoán nấm phổi mạn tính Aspergillosis nếu ho ra máu dai dẳng kéo dài nhiều tháng/năm, ho ra máu số lượng lớn, đờm màu nâu, khó thở, bệnh dai dẳng kéo dài, thở rít, ho khan kéo dài.
Bệnh nấm phổi nếu kéo dài không được điều trị thì các bào tử nấm sẽ lan tràn và gây bệnh cơ quan khác như nấm não - màng não, tổn thương da, viêm cơ, viêm nội nhãn… thậm chí là nhiễm nấm huyết. Bệnh nhân sẽ chết do nhiễm trùng nhiễm độc, suy kiệt hoặc biến chứng nặng nề như ho ra máu ồ ạt.
TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, chỉ sau 5 năm mắc nấm phổi mãn tính mà không được điều trị, người bệnh có thể liên tục ho ra máu và có nguy cơ tử vong.
Những trường hợp được phát hiện và điều trị sớm có thể điều trị khỏi bằng các thuốc kháng nấm. Khoảng 1/2 số trường hợp không được điều trị, tử vong sau 5 năm.
Phần lớn các trường hợp chẩn đoán và điều trị muộn cần phải phẫu thuật, nút mạch cầm máu song song với việc điều trị thuốc nấm kéo dài.
Bệnh được phát hiện bằng chụp X-quang hoặc CT ngực có hình ảnh u nấm trên một hang có sẵn trong phổi có hoặc không kèm theo các tổn thương khác. Nếu không được điều trị, phần phổi bị phá hủy sẽ ngày một lớn, dẫn đến mất chức năng phổi.
Tuy nhiên, việc chẩn đoán nhiễm nấm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề nghi ngờ lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh.
Cũng theo bác sĩ Ngọc, để phát hiện bệnh các bác sĩ và nhân viên y tế cần được đào tạo để cân nhắc nhiễm trùng nấm và thường biểu hiện lâm sàng không rõ ràng. Nhiều xét nghiệm chẩn đoán nấm không nhạy, không đặc hiệu, nhiều xét nghiệm không có sẵn ở nhiều nơi trên thế giới.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng cho biết, tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu cụ thể về bệnh nấm phổi do Aspergillus.
Tuy nhiên, khoảng 50% bệnh nhân đã từng mắc lao, đến khám lại tại các cơ sở chuyên khoa hô hấp mắc nấm phổi do Aspergillus.
“Nếu như với bệnh lao, Việt Nam cũng là nước có gánh nặng bệnh tật đứng thứ 11 thế giới, thì với bệnh nấm mạn tính, chúng ta đứng thứ 5 trên thế giới với trên 55.000 ca”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.
Để tầm soát đưa vào điều trị 90% người nhiễm nấm phổi còn sót ngoài cộng đồng, Giám đốc Đinh Văn Lượng cho biết, hiện chi phí điều trị một ca nấm phổi rất lớn, có ca nặng phải gánh chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Vì thế, vai trò bảo hiểm y tế lớn trong thanh toán cho người bệnh nấm phổi được điều trị, tránh bỏ sót ngoài cộng đồng.