Trẻ nữ 11 tuổi đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec với tình trạng vùng cổ to bất thường và được chẩn đoán viêm tuyến giáp Hashimoto giai đoạn suy giáp.
Ảnh minh họa. |
Đây là bệnh lý tự miễn phổ biến mắc phải ở trẻ em và thanh thiếu niên, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tâm thần, vận động của trẻ, đối với trẻ lớn có thể gây chậm dậy thì, ngừng dậy thì.
Khoảng 3 - 4 năm nay, người nhà cháu P.N.B.L (11 tuổi, Hà Nội) phát hiện vùng cổ trẻ to bất thường, to hơn các bạn cùng lứa tuổi, liên tục tăng dần kích thước, kèm theo biểu hiện khô da, táo bón. Lo lắng, gia đình đưa trẻ tới thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec.
Tại bệnh viện, bác sỹ tiến hành khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phục vụ chẩn đoán. Hình ảnh siêu âm tuyến giáp cho thấy thùy trái và thùy phải kích thước to bất thường, tuy nhiên không phát hiện cấu trúc dạng nang, khối đặc.
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, chỉ số TSH tăng cao vượt ngưỡng thông thường, cho thấy dấu hiệu suy giáp. Chỉ số xét nghiệm anti TPO, anti TG tăng cao, cho thấy sự xuất hiện của kháng thể kháng giáp trong máu.
Bác sỹ đưa ra chẩn đoán xác định trẻ mắc viêm tuyến giáp Hashimoto giai đoạn suy giáp. Nhận định về ca bệnh, ThS.Dương Thị Thủy, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh lý không hiếm gặp ở trẻ với tỷ lệ mắc 1-3%.
Ca bệnh này, bệnh đã tiến triển đến giai đoạn suy giáp, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tâm thần và vận động. Nếu trẻ lớn có thể gây chậm dậy thì, ngừng dậy thì, kinh nguyệt không đều, rong kinh, vô kinh ở trẻ gái.
Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị ngoại trú bằng liệu pháp hormone thay thế và duy trì bình giáp theo phác đồ riêng biệt của bác sỹ.
Viêm tuyến giáp tự miễn ở trẻ em: Bệnh lý không thể chữa khỏi, cần duy trì điều trị kéo dài. Viêm tuyến giáp Hashimoto (hay còn gọi là viêm tuyến giáp tự miễn) là tình trạng viêm tuyến giáp mạn tính do rối loạn miễn dịch. Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu gây suy giáp mắc phải.
Bệnh thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thông thường từ 30-60 tuổi. Ở trẻ em và thanh thiếu niên tỷ lệ mắc thấp hơn, nhưng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Lý giải về nguyên nhân gây bệnh, Ths.Dương Thị Thủy cho biết, bệnh do đa yếu tố, gồm những tương tác phức tạp của di truyền, môi trường và nội tiết, gây ra phản ứng miễn dịch không phù hợp chống lại tuyến giáp.
Bệnh thường diễn biến thầm lặng, người bệnh không có biểu hiện trong nhiều năm, chỉ phát hiện khi cổ to bất thường hoặc chỉ số xét nghiệm máu bất thường.
Khi bệnh tiến triển nặng đến giai đoạn suy giáp có thể gây ra các triệu chứng sau ở trẻ: Dậy thì muộn, chậm phát triển chiều cao, lâu biết lẫy/ bò; rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, vô kinh dẫn đến vô sinh;
Mệt mỏi, uể oải và ngủ li bì; khó tập trung, trầm cảm; tăng cân bất thường; táo bón; da khô; tóc khô, dễ gãy rụng; thường cảm thấy lạnh; cứng khớp và đau cơ.
Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh lý mạn tính không thể chữa khỏi, trẻ cần duy trì điều trị kéo dài, gần như suốt đời nhằm ổn định hoạt động của tuyến giáp, kiểm soát suy giáp và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng bởi nếu tuân thủ điều trị, trẻ vẫn có thể có cuộc sống và sự phát triển bình thường.
Phụ huynh cần theo dõi thường xuyên, nhắc nhở trẻ tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ bị bệnh tuyến giáp nên xét nghiệm máu 3 - 6 tháng/lần để đảm bảo nồng độ hormone giáp duy trì ở mức bình thường.
Tổ chức GLOBOCAN thống kê ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam, đây là loại ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao.
Ung thư tuyến giáp được chia ra 4 dạng gồm: ung thư tuyến giáp thể nhú (chiếm tới 80% trường hợp) phát triển chậm, có khả năng chữa khỏi cao và hiếm gây tử vong;
Ung thư tuyến giáp thể nang (chiếm tới 15%) có khả năng di căn đến xương, phổi và các cơ quan khác; ung thư tuyến giáp thể tủy (chiếm khoảng 2%) thường có liên quan đến tiền sử gia đình; ung thư tuyến giáp không biệt hóa (chiếm khoảng 2%) khó điều trị, phát triển nhanh chóng và thường di căn nhanh sang các cơ quan khác.
Để phòng tránh ung thư tuyến giáp, các bác sĩ của Bệnh viện K khuyến cáo, biện pháp tốt nhất là nâng cao thể lực và kiến thức sức khỏe.
Theo đó, cần xây dựng thói quen ăn uống khoa học: Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; hạn chế các thực phẩm chiên, rán, nướng, ướp muối, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn... bởi đây là những món ăn không tốt cho cơ thể và là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý ung thư.
Cùng đó, nên vận động thể lực 30 phút mỗi ngày, vừa giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức đề kháng, vừa giảm căng thẳng, mệt mỏi. Trang bị kiến thức về ung thư tuyến giáp và các bệnh ung thư khác để chủ động bảo vệ sức khỏe cũng như phát hiện sớm bệnh ác tính.
Do đó, sự phát triển thầm lặng của ung thư tuyến giáp khiến người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị kịp thời, nguy cơ di căn tới các cơ quan khác.
Một số khối u ung thư tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, chèn ép lên các cơ quan lân cận gây ra các triệu chứng gồm khó thở, khó nuốt, khàn tiếng, mất giọng, sưng đau ở cổ.
Nếu ung thư tuyến giáp di căn sang các vùng khác trên cơ thể người bệnh sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, ăn mất ngon, buồn nôn, ói mửa, sụt cân không lý do.
Để tầm soát phát hiện ung thư tuyến giáp, theo bác sĩ Bích, những người trẻ nên khám sức khỏe tổng quát 1 năm/lần, đặc biệt với những ai có yếu tố nguy cơ cao như có bố mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư tuyến giáp hoặc có tiền sử xạ trị vùng cổ trước đó.
Ngoài ra, khi sờ thấy hoặc nhìn thấy có khối xuất hiện vùng cổ hoặc có triệu chứng khàn tiếng, nuốt khó, nuốt vướng… người bệnh nên tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
Việc chủ động khám sức khỏe tổng quát, trong đó có khám và siêu âm tuyến giáp, là một trong những biện pháp tầm soát và phát hiện sớm ung thư tuyến giáp.
Phát hiện sớm ung thư tuyến giáp giúp nâng cao kết quả điều trị, phòng ung thư di căn biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.