Khánh Hòa đang hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Một góc TP. Nha Trang. |
Tiềm năng lớn
Khánh Hòa nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, có nhiều vịnh, cảng gần tuyến hàng hải quốc tế nhất ở Việt Nam. Đặc biệt, lợi thế của 3 vịnh biển (vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh) nằm gần tuyến hàng hải quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Khánh Hòa phát triển tổng hợp kinh tế biển như: công nghiệp đóng tàu, hàng hải (vận tải, dịch vụ cảng biển), du lịch biển đảo, kinh tế thủy sản (nuôi trồng, đánh bắt hải sản).
Nhắc đến Khánh Hòa, người ta nghĩ ngay đến thành phố biển Nha Trang xinh đẹp và hiền hòa, vịnh Nha Trang - thành viên của Câu lạc bộ Các vịnh đẹp nhất thế giới với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ, hấp dẫn bởi du lịch sinh thái biển đảo. Nhắc đến Khánh Hòa, không thể không nhắc đến Cam Ranh với Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Cảng quốc tế Cam Ranh đã và đang phát triển thành trung tâm nghĩ dưỡng, du lịch sinh thái biển đẳng cấp thế giới; không thể không nhắc đến Khu kinh tế Vân Phong với các điều kiện, yếu tố thuận lợi và tiềm năng để phát triển kinh tế biển…
Từ những tiềm năng của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng 4 chương trình: Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Phát triển đô thị và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực.
Cùng với đó, Khánh Hòa cũng xác định 3 điểm trọng tâm là TP. Nha Trang, Khu kinh tế Vân Phong và Vịnh Cam Ranh để tập trung xây dựng, triển khai các giải pháp phù hợp, từng bước đưa Khánh Hòa trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2019, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 19.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng, cao gấp hàng chục lần so với những năm đầu sau ngày giải phóng. “Hiện nay, Khánh Hòa đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới mục tiêu xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại. Trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương phải đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống nhân dân ngày càng giàu có hơn, tạo nên diện mạo mới của quê hương Khánh Hòa”, ông Tuân nhấn mạnh.
Gần đây, dòng vốn đầu tư trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển từ các “công trường lớn” sang nhiều khu vực, quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng.
Được Tạp chí National Geographic (Mỹ) bình chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh, Bãi Dài - Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh như “thỏi nam châm” hút nguồn vốn đầu tư. Không chỉ có bãi biển đẹp, được quy hoạch bài bản, nơi đây còn thuận lợi về giao thông, nhất là khi xuất hiện Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Cảng quốc tế Cam Ranh.
“Sau khi được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã đón hàng loạt nhà đầu tư có thương hiệu lớn trong và ngoài nước vào nghiên cứu, triển khai đầu tư. Đến nay, đã ghi nhận 41 dự án đầu tư, trong đó có 40 dự án đã được cấp phép với tổng vốn đăng ký khoảng 29.341 tỷ đồng. Kỳ vọng, trong 2 năm tới, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh sẽ có những chuyển biến rõ nét hơn”, ông Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch bán đảo Cam Ranh cho hay.
Khẳng định tiềm năng du lịch của Khánh Hòa còn rất lớn, thông qua du lịch để hội nhập quốc tế, để quảng bá về đất nước và con người Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, cần đổi mới cách thức quản lý, tìm giải pháp để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác…
Rộng cửa đón nhà đầu tư
Trọng tâm phát triển kinh tế của Khánh Hòa được xác định tại 3 khu vực.
Phía Nam là khu vực vịnh Cam Ranh có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế, với điểm nhấn là Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh gắn kết với hạ tầng giao thông thuận lợi từ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Cảng quốc tế Cam Ranh
Khu kinh tế Vân Phong gồm khu vực Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong. Khu vực Nam Vân Phong được quy hoạch phát triển là trung tâm công nghiệp gồm cảng biển, các tổ hợp công nghiệp (điện tử, đóng tàu, lọc hóa dầu, công nghiệp phụ trợ…), khu công nghiệp, kho xăng dầu ngoại quan gắn với phát triển các khu đô thị, khu dịch vụ du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng. Trước mắt, Khu kinh tế Vân Phong tập trung thu hút đầu tư vào khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng để tạo động lực phát triển.
Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư, các tập đoàn quốc tế quan tâm, mong muốn được đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong. Trong tương lai không xa, Vân Phong sẽ góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế khu vực duyên hải miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Lũy kế đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 158 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD. Một số dự án lớn đang triển khai và đi vào hoạt động tại Khu kinh tế là: Nhà máy Đóng tàu Hyundai Vinashin, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Khu công nghiệp Ninh Thủy... Trong đó, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong I có tổng vốn 2,58 tỷ USD, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.320 MW sẽ được hoàn tất xây dựng và đi vào vận hành thương mại trong năm 2023.
Khu trung tâm của Khánh Hòa là thành phố biển Nha Trang với hạ tầng tiện ích thuận lợi về xã hội, môi trường, văn hóa, giao thông…, đã và đang trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật, thể thao tầm cỡ quốc tế, như: Hội nghị ASEAN, APEC, Cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới…
Năm 2019, tỉnh Khánh Hòa đón 7,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 12,6% so với năm 2018; trong đó, có khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế… Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 27.000 tỷ đồng (tăng 24,2% so với năm 2018).
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng rất quan tâm, đã và đang có các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, định hướng sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, dịch vụ cao cấp..., qua đó chứng minh Khánh Hòa là nơi đầu tư an toàn và phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, Khánh Hòa luôn mong muốn và mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước với những chính sách ưu đãi và điều kiện thuận lợi nhất. Khánh Hòa cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp để giải quyết, vượt qua những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thành công tại địa phương.
“Thành công của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tại Khánh Hòa cũng chính là thành công của tỉnh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.
“Chúng tôi đã nghiên cứu khu vực này rất kỹ từ 2 năm trước. Bằng tiềm năng liên danh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, IPP cam kết sẽ thu hút 40 tỷ USD đầu tư vào Bắc Vân Phong qua việc kêu gọi các tỷ phú trên thế giới cùng đầu tư theo từng thế mạnh của họ”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.