Diễn biến giá cả thị trường 10 tháng năm 2022 cho thấy, áp lực đối với lạm phát không lớn như dự báo trước đây.
Cụ thể, tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) sau 1 năm (so tháng 10/2021) hay sau 10 tháng (so với tháng 12/2021) tuy đã cao hơn 4%, nhưng nếu 2 tháng còn lại tăng bằng với tốc độ tăng của tháng 10 (0,15%), thì tốc độ tăng trong cả năm ở dưới mức 4,5%; còn tính bình quân năm thì ở mức dưới 4%, tức là lạm phát tiếp tục được kiểm soát theo mục tiêu (dưới 4%).
Trong 11 nhóm, có 7 nhóm tăng thấp hơn CPI chung. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (36,12%) - sau 1 năm và sau 10 tháng tăng cao hơn tốc độ chung tương ứng, nhưng bình quân 10 tháng tăng thấp hơn (2,03% so với 2,89%). Đây là yếu tố quan trọng góp phần giảm áp lực đối với CPI chung.
Tuy nhiên, chưa thể chủ quan với lạm phát vào đầu năm 2023, xuất phát từ các yếu tố tác động khác với 10 tháng qua.
Trước hết là yếu tố chi phí đẩy - chủ yếu đến từ giá nhập khẩu tăng cao (9 tháng tăng 10,86%, trong đó, nông sản, thực phẩm tăng 10,82%, riêng lúa mỳ tăng 28,67%; phân bón tăng 40,87%; sắt thép tăng 32,3%; xơ sợi tăng 32,3%…). Giá nhập khẩu tăng cao đã làm giá nguyên, nhiên vật liệu tăng 6%, trong đó sử dụng cho sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 10,29%, sử dụng cho xây dựng tăng 8,96%…
Giá đầu vào tăng cao, nhưng giá sản xuất đầu ra tăng khá thấp (nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,05%; công nghiệp tăng 4,71%; dịch vụ tăng 3,34%). Giá tiêu dùng còn tăng thấp hơn (2,73%). Điều đó chứng tỏ, doanh nghiệp và người sản xuất đã “chịu trận” nhiều hơn bằng việc thắt chặt chi phí, thậm chí chịu lỗ. Như vậy, người sản xuất, người tiêu dùng đã “gánh đỡ” để CPI không tăng cao.
Tuy nhiên, những tháng tới, yếu tố chi phí đẩy sẽ tác động khác với 10 tháng trước. Giá nhập khẩu một số mặt hàng có dịu xuống, nhưng vẫn còn cao hơn giá sản xuất, tiêu dùng ở trong nước. Giá nhập khẩu, giá nguyên nhiên vật liệu cao trong thời gian qua sẽ chuyển vào giá sản xuất, giá tiêu dùng, làm cho các loại giá này tăng cao hơn trong thời gian tới.
Yếu tố cầu kéo trong 10 tháng thể hiện ở tích lũy/đầu tư và tiêu dùng cuối cùng. Xét GDP theo góc độ sử dụng, tích lũy tăng 5,59%, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26%, đều thấp hơn tốc độ tăng GDP (8,83%). Về tích lũy/đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển xã hội/GDP thấp hơn các năm trước (9 tháng ở mức gần 31,2%). Vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng thấp…
Tiêu dùng cuối cùng tăng, song mức tăng vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, trong thời gian tới, yếu tố cầu kéo sẽ gia tăng áp lực, trong đó đầu tư công sẽ gia tăng, gói hỗ trợ kinh tế, đời sống sẽ được đẩy nhanh với quy mô lớn hơn, nhất là gói hỗ trợ lãi suất.
Đặc biệt, Tết cổ truyền đang kề cận. Nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết cổ truyền không tăng quá lớn, nhưng sau mấy năm bị “bào mòn” bởi đại dịch, nay dễ bùng trở lại, nhất là với hoạt động đi lại, dịch vụ…
Yếu tố tiền tệ - tài chính trong 10 tháng có xu hướng thắt chặt cả về tiền tệ, tín dụng; cả về lãi suất, tỷ giá. Tài khóa cũng theo hướng thắt chặt, thể hiện ở thu vượt cao so dự toán năm và tăng cao so với năm trước, cao hơn tổng chi và còn bội thu lớn. Tuy nhiên, hàng loạt động thái mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra sẽ được đẩy mạnh thực hiện, nhất là tỷ giá… Nhu cầu cao trong dịp Tết, tiếp theo là lễ hội, rồi tăng lương… Đó là những yếu tố tác động mạnh đến CPI thời gian tới.