Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Đức Thanh |
Đua thu hút FDI, Việt Nam hụt hơi?
Trái với kỳ vọng về việc thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, thực tế, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tiếp tục xu hướng sụt giảm.
Báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 22,63 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 9,13 tỷ USD, giảm 32,3% so với cùng kỳ; vốn đăng ký tăng thêm gần 4 tỷ USD, giảm 29,6%; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018.
Điểm đáng mừng là, trong 8 tháng, vốn FDI giải ngân vẫn đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn khá tích cực.
Mặc dù vậy, không thể không quan tâm khi nhìn vào số vốn đăng ký, dẫu rằng, đánh giá thu hút FDI không thể chỉ dựa vào các con số trong một tháng hay vài tháng, mà phải là cả năm, thậm chí cả giai đoạn.
Câu hỏi được đặt ra là, phải chăng Việt Nam đang hụt hơi trong cuộc đua thu hút FDI?
Cục Đầu tư nước ngoài, cùng với việc công bố các số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, đã luôn chỉ ra rằng, vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm trong những tháng qua chủ yếu do năm ngoái có nhiều dự án tỷ USD đăng ký đầu tư mới và tăng thêm vào Việt Nam, trong khi năm nay không có. Điều đó đúng.
Song, còn có một thực tế khác vừa được Financial Times cho biết, đó là số lượng dự án FDI đầu tư xây mới ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm đã giảm mạnh, chỉ còn 6.243 dự án, so với 8.152 dự án trong nửa đầu năm 2018. Mức sụt giảm này cho thấy sự “dè chừng” của các công ty khi đưa ra các quyết định kinh doanh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Cũng theo Financial Times, trong nửa đầu năm 2019, số dự án đầu tư xây dựng mới tại Trung Quốc, châu Á và châu Âu đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, tại Nhật Bản giảm hơn 20%.
Như vậy, sự sụt giảm vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam cũng là dễ hiểu. Xem ra, dòng FDI toàn cầu đang trong giai đoạn “ngập ngừng”, nói đúng hơn là cầm chừng. Do đó, khó kỳ vọng FDI vào Việt Nam bật tăng.
Gay cấn cuộc đua thu hút FDI
Không chỉ gặp khó trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu đang chững lại, mà nhiều diễn biến mới trên thị trường toàn cầu cho thấy, cuộc đua thu hút FDI sẽ ngày càng gay cấn. Dù được đánh giá là có nhiều cơ hội để đón dòng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, song không phải vốn đầu tư sẽ cứ thế chảy vào Việt Nam. Tình hình sẽ càng khó khăn hơn, khi nhiều quốc gia đang sẵn sàng “vợt” dòng vốn này.
Ngay cả Mỹ, động thái cách đây ít ngày cho thấy, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ “ra lệnh” cho các công ty Mỹ dừng hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Dù điều này chỉ là phỏng đoán và cũng không phải dễ thực hiện, song Tổng thống Mỹ cũng đã khuyến cáo các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, tìm kiếm sự thay thế, bao gồm cả việc đưa các công ty về nước.
Chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra các ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp Mỹ mang tiền từ nước ngoài về đầu tư ở trong nước.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan vừa chỉ đạo Ủy ban Đầu tư (BoI) soạn thảo các gói khuyến khích mới nhằm hỗ trợ những công ty bị ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung và muốn chuyển cơ sở sản xuất sang Thái Lan.
Khi làm việc với BoI, Phó thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cũng đã nói rằng, cuộc đua thu hút các nhà đầu tư nước ngoài giữa các nước thành viên ASEAN “đang nóng lên”. Vì thế, các gói khuyến khích của Thái Lan sẽ được xây dựng chi tiết, hướng tới từng đối tác, công ty cụ thể, linh hoạt và “có thể thương lượng”.
Thông tin cho biết, BoI đã có danh sách 100 công ty ở Trung Quốc và những nước khác muốn di chuyển sang Thái Lan và sẽ có những chiến lược cụ thể với các công ty này.
Còn Trung Quốc, hồi tháng 3 năm nay cũng đã công bố Luật Đầu tư nước ngoài mới, chỉ sau 3 tháng xây dựng, nhằm giữ chân và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Những động thái này cho thấy, Việt Nam nếu muốn cạnh tranh thu hút FDI, muốn đón nhận dòng vốn FDI từ Trung Quốc chuyển sang, thì phải nhanh chân hơn nữa.
Điều tích cực là Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Tuy nhiên, Nghị quyết chỉ là các chỉ đạo mang tính định hướng, còn thực thi như thế nào, thể chế, chính sách cụ thể ra sao lại thuộc sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và việc thực thi ở các bộ, ngành, địa phương.
Thời gian không còn nhiều. Trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong thu hút FDI, nếu không nhanh chân, Việt Nam có thể sẽ thực sự hụt hơi.
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà mấy tháng trước, Pegatron, một đối tác của Apple, dù trước đó dự định mở nhà máy tại Việt Nam với vốn đầu tư 300 triệu USD, nhưng cuối cùng đã lựa chọn Indonesia làm điểm dừng chân.