Lễ ký kết hợp tác triển khai Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. |
Ngày 24/2, tại Hà Nội, UBND tỉnh Cao Bằng và Liên danh các nhà đầu tư gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty CP đầu tư Văn Phú - Invest đã ký thoả thuận cam kết hợp tác đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh này đã xác định đây là công trình hạ tầng giao thông xương sống, có tính chất khai phá, khơi thông điểm nghẽn, nút thắt, giúp mở rộng không gian phát triển còn nhiều tiềm năng của tỉnh.
Lý do là bởi cho đến nay, Cao Bằng chỉ có duy nhất một loại hình giao thông kết nối với các địa phương lân cận và các trung tâm phát triển của cả nước là đường bộ, trong khi các tuyến đường đều nhiều đèo, dốc và chất lượng không cao).
Đối với Cao Bằng, đây là Dự án quan trọng nhất, cấp thiết nhất của tỉnh, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh hôm 1/12/20221 là: “chỉ có tuyến đường cao tốc mới giúp Cao Bằng thoát nghèo”.
Được biết, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân Cao Bằng mà nó còn thuộc quy hoạch mạng lưới giao thông của cả nước kết nối với quốc tế. Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ là đường vận tải quốc tế Á - Âu, nằm trong mạng lưới giao thông từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) qua cửa khẩu Trà Lĩnh đi Trùng Khánh - Urumqi - Khorgos (Trung Quốc), sang các nước châu Âu.
Ông Hoàng Xuân Ánh, nhận định Dự án giao thông trọng điểm quốc gia này mang giá trị tổng thể rất quan trọng này gặp phải nhiều thách thức.
Thứ nhất, Dự án là đòi hỏi một nguồn vốn huy động lớn với tổng mức đầu tư nghiên cứu ban đầu của Bộ GTVT lên đến 47.000 tỷ đồng.
Thứ 2, Dự án có chiều dài tuyến hơn 140 km đi qua nhiều khu vực có địa hình núi cao, nhiều thung lũng với nền địa chất phức tạp, lưu lượng xe cộ chưa nhiều. Nhiều năm trước, các nhà đầu tư đến nghiên cứu đều bỏ cuộc.
Thứ 3 là khó khăn trong việc huy động vốn do hiện nay vốn ngân sách Nhà nước theo quy định tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án và đặc biệt là vốn vay tín dụng ngày càng bị thắt chặt. Một ngân hàng thì không đủ cho vay. Hợp vốn thì mỗi ngân hàng một điều khoản, chính sách tín dụng khác nhau.
Thứ 4, từ những khó khăn trên, đòi hỏi phải có những nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, kinh nghiệm điều hành, quản lý dự án, tổ chức thi công chuyên nghiệp, đặc biệt phải có tiềm lực tài chính và uy tín kết nối doanh nghiệp.
Để giải quyết các khó khăn nói trên, trong thời gian vừa qua, Cao Bằng đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả trong việc thực hiện các nhiệm vụ tại bước lập chủ trương đầu tư và nghiên cứu đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
Đến nay, Dự án đã đạt được một số kết quả như: tiết giảm tổng mức đầu tư, thi tuyển kiến trúc tôn tạo nét văn hóa đặc trưng của tỉnh tại các công trình trên tuyến như cầu, hầm nhằm tạo sức hút cho du lịch bản địa, báo cáo với Chính phủ, các Bộ Nghành và Địa phương để bố trí vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
“Cao Bằng đồng thuận cao với quan điểm cho rằng mô hình “3P” là phương án huy động vốn khả thi nhất để có thể áp dụng thành công cho Đồng Đăng - Trà Lĩnh, khẳng định việc đa dạng hóa các nguồn vốn từ NSNN, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác thông qua các hình thức cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC, tín dụng… là hiệu quả, thiết thực”, ông Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh.
Hiện nay, tại Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Tập đoàn Đèo Cả đã có những doanh nghiệp đồng hành. Đây là điều kiện đủ để thực hiện dự án. Sự đồng hành thể hiện chính thức bằng việc các nhà đầu tư Văn Phú Invest, Thành Lợi, Phú Mỹ đã ký thoả thuận đầu tư Dự án.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tin tưởng với thế mạnh và sự chung tay của những doanh nghiệp có uy tín trên các lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông cùng với việc, họ là những công ty đại chúng đã có mặt trên thị trường chứng khoán hiện nay, với cách làm tạo ra “sản phẩm thật” mang lại “giá trị thật” gia tăng “giá trị thật” thông qua các mã cổ phiếu như: HHV, VPI sẽ là bước đi vững chắc, khi huy động vốn cho hình thức hợp tác kinh doanh (BCC), góp phần thành công cho mô hình PPP đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho các cổ đông và doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đây là bước đi cụ thể đầu tiên nhưng hết sức quan trọng mở ra quá trình hợp tác đáng tín cậy và triển vọng sẽ hoàn thành theo tiến độ đề ra.
“Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ tiến tới xây dựng quỹ PPP, các quỹ phát triển để tạo nền tảng cho việc triển khai các dự án PPP và không phải đàm phán thu xếp từng dự án. Quỹ này chính là nguồn tài chính và cũng chính là đảm bảo chủ trương đa dạng nguồn vốn cho các công trình, dự án PPP. Cao Bằng cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm cùng các nhà đầu tư triển khai thành công dự án”, ông Ánh cam kết.
Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) là 13.181 tỷ đồng, thực hiện góp vốn áp dụng mô hình 3 chữ P, gồm: Vốn ngân sách nhà nước (P1) là 6.580 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư (P2) là 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác (P3) là 5.371 tỷ đồng.
Ngoài phần vốn ngân sách nhà nước và vốn chủ sở hữu nhà đầu tư thì với phần vốn huy động khác, Nhà đầu tư sẽ thực hiện huy động bằng hình thức vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC),… trong đó Liên danh Nhà đầu tư (Đèo Cả, Văn Phú - Invest, Phú Mỹ, Thành Lợi) cam kết tham gia phần vốn hợp tác đầu tư (BCC) là 2.685 tỷ đồng và cùng với UBND tỉnh để huy động phần còn lại khoảng 2.685 tỷ đồng (vốn tín dụng) để thực hiện dự án.