Tấm áo đô thị đã chật
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, do sự phát triển nhanh, thiếu đồng bộ, đồng thời thiếu kiểm soát tình trạng dân cư tự phát, gia tăng mật độ xây dựng, đã gây sức ép lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của các đô thị. Tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, hoặc khu vực hai bên tuyến đường mở mới, việc gia tăng các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc so với quy định đã gây ra quá tải hạ tầng, tắc nghẽn giao thông.
Phát triển các công trình cao tầng phù hợp với chiến lược phát triển đô thị, là một trong các giải pháp khai thác hiệu quả không gian đô thị. |
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp lý trong công tác quy hoạch ban hành còn chậm, thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, khiến đô thị chắp vá, manh mún.
Tốc độ đô thị hóa, phát triển dân số nhanh chóng tại các đô thị ở Việt Nam trong vài thập niên qua đã gây sức ép lên hạ tầng. Sự phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội, không gian công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân đô thị. Thời gian gần đây, một số thành phố bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng thêm các không gian công cộng để phục vụ nhu cầu của nhân dân, tuy nhiên, sự đầu tư này không đáng kể.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, nhìn chung chất lượng đô thị ở nước ta còn thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trong những năm qua chưa đáp ứng nhu cầu. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu.
“Kết cấu hạ tầng đô thị yếu kém, quá tải, không những cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội đô thị, mà còn nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường”, bà Hằng nói.
Cao ốc là giải pháp tất yếu
Xu hướng các đô thị trên thế giới hiện nay là nhà cao tầng. Đây là xu hướng tốt, vì lợi ích của việc xây nhà cao tầng là tiết kiệm để dành đất làm hệ thống công viên, cây xanh và các công trình công cộng.
Ở Việt Nam, hệ thống giao thông chưa tốt, nên để phát triển cao ốc, cần kết hợp xây dựng hệ thống giao thông và chỉnh trang đô thị. Đầu tư đường sá, đặc biệt đầu tư hệ thống metro và hệ thống xe buýt.
Các chuyên gia quy hoạch và kiến trúc cho rằng, việc bố trí hợp lý không gian, kiến trúc cảnh quan trong cấu trúc đô thị sẽ góp phần tăng mỹ quan, giúp tạo nên hình ảnh về hình khối trong không gian đô thị. Để hình thành không gian xanh đô thị, thì các yếu tố như: mối tương quan giữa đất xây dựng và không gian mở đô thị; việc tăng cường khu vực công cộng, khu vui chơi giải trí có chứa đựng yếu tố cảnh quan tự nhiên trong lòng đô thị sẽ đóng góp vai trò thiết thực trong việc hình thành nên môi trường cảnh quan có sức lôi cuốn, hấp dẫn cho thành phố.
Việc kết nối các đô thị trung tâm với khu vực vành đai xanh, hành lang xanh, nhằm bổ sung hệ thống công viên rừng, khu nghỉ dưỡng và vui chơi, đất thể thao liên quan đến yếu tố xanh cho đô thị trung tâm và việc đẩy nhanh phát triển các đô thị vệ tinh sẽ giúp giảm áp lực lên những khu đô thị lớn, cũng là lựa chọn cho các đô thị có mật độ dân số cao, thiếu hụt đất cây xanh như Hà Nội và TP.HCM.
Theo ông Trần Ngọc Chính, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng là tất yếu của quá trình đô thị hóa. Nhờ đó, hàng triệu người dân ở các đô thị lớn mới có một chỗ ở riêng cho mình. Phát triển các công trình cao tầng, nhất là công trình cao tầng đa chức năng (có chức năng sử dụng hỗn hợp) có thể làm giảm sự dịch chuyển và khoảng cách giữa các chức năng trong đô thị và làm tăng giá trị sử dụng đất đai, bảo tồn cảnh quan sinh thái.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc phát triển các công trình cao tầng phù hợp với chiến lược phát triển đô thị, là một trong các giải pháp khai thác hiệu quả không gian đô thị. Cách làm này vừa phù hợp với việc tái cấu trúc không gian đô thị, vừa không làm thay đổi hệ số sử dụng đất, quan trọng là không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là giao thông”, ông Chính nhấn mạnh.
Về vấn đề này, TS-KTS. Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia Công ty tư vấn CPG Consultants Singapore cho rằng, câu chuyện chúng ta cần bàn không phải là xây nhà cao hay thấp, mà là chúng ta cho phép gia tăng mật độ hay không và nếu tăng thì tới mức nào để không vượt quá năng lực vận hành của hệ thống hạ tầng. Còn với mật độ đó, người ta xây dưới hình thức gì thì hãy để thị trường quyết định.
“Chuyện xây dựng hình thức công trình gì không hoàn toàn quyết định mật độ đô thị. Bắc Kinh là ví dụ điển hình cho việc xây nhà cao tầng là chủ yếu, nhưng mật độ rất thưa, vì họ có những quy định cụ thể như phải đảm bảo các công trình nhận được nắng chiếu vào trong số giờ nhất định vào mùa đông, nên khoảng cách các toà nhà khá xa nhau. Như vậy, rõ ràng tầng cao không phản ánh bức tranh về mật độ dân số, cần phải tách bạch hai vấn đề. Thứ nhất là phải bàn câu chuyện mật độ dân cư. Thứ hai là câu chuyện hình thức công trình”, ông Dũng phân tích.