Khi cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) càn quét TP.Hà Nội đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề.
Trong đêm bão đổ bộ, để đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh trong bão, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E luôn sáng đèn và liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp người dân bị thương do tai nạn liên quan đến cơn bão số 3.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp người dân bị thương do tai nạn liên quan đến cơn bão số 3. |
Một trong những trường hợp nặng đêm qua, được các bác sỹ Bệnh viện E tiếp cận là người bệnh N.V.S (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đầu, đau vai trái… được chẩn đoán chấn thương sọ não vỡ xương trán, máu tụ ngoài màng cứng.
Theo lời kể của người nhà, trong lúc mưa bão, người bệnh bị tai nạn ngã từ trên cao xuống khi đang cố gắng gia cố mái tôn. Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sỹ đã nhanh chóng cầm máu, tiến hành chiếu chụp, thực hiện các xét nghiệm cần thiết… sau đó lập tức chuyển người bệnh lên phòng mổ cấp cứu.
Trường hợp người bệnh L.V.T (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều vùng da đầu do trong lúc bão lớn bị mái tôn công trình rơi vào đầu. Người bệnh ngay lập tức được các bác sỹ tiến hành cầm máu, rửa và khâu vết thương cho người bệnh.
Đây là hai trong số nhiều ca cấp cứu được Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E tiếp nhận và điều trị trong khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội
TS.Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng Khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện E cho biết, trong ngày cơn bão số 3 đổ bộ vào TP.Hà Nội, Bệnh viện E đã tiếp nhận tổng cộng 36 ca cấp cứu.
Trong số đó có 16 ca cấp cứu ngoại khoa: 10 trường hợp cấp cứu do người bệnh gặp tai nạn liên quan đến bão số 3; 20 ca cấp cứu nội khoa.
Nhằm chủ động ứng phó khi cơn bão số 3 đổ bộ và chống ngập lụt Bệnh viện do mưa hoàn lưu sau bão, Ban Giám đốc Bệnh viện E chỉ đạo các khoa, phòng trong toàn bệnh viện đảm bảo sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo công tác trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ.
TS.Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, lợi thế của Bệnh viện E là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh với nhiều chuyên khoa mũi nhọn như tim mạch, cơ xương khớp, chấn thương chỉnh hình, tiêu hóa, gan mật, hồi sức tích cực… đáp ứng được nhu cấp cấp cứu và điều trị bệnh của người dân.
Bên cạnh đó, hệ thống cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E sẽ phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu từ các nơi chuyển đến.
Tổ cấp cứu ngoại viện luôn túc trực sẵn sàng lên đường chi viện cho các địa phương khi có yêu cầu. Khi người dân gặp bất kỳ một sự cố nào về y tế cần được cấp cứu hãy gọi 115 hoặc số hotline của hệ thống cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện E là 0243.7480648 (24/7) để được giúp đỡ và đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất, đảm bảo tính mạng cho người bị nạn.
Ngay sau cơn bão, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã tổ chức cuộc họp khẩn, giao nhiệm vụ cho các lãnh đạo chủ chốt và tua trực, các lực lượng tích cực dọn dẹp cây đổ, làm sạch cảnh quan bệnh viện, khoa phòng để chuẩn bị cho hoạt động khám chữa bệnh ngày mai được diễn ra ổn định.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 với tên quốc tế là Yagi, thực hiện các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 05/9/2024, Bộ Y tế đã ban hành Công điện số 1101/CĐ-BYT gửi Sở Y tế 28 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế đề nghị các sở y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa, lũ, thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ; Rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của đơn vị đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ.
Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm do bão, mưa lũ gây ra; sắp xếp, ổn định các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sau mưa lũ.
Sáng ngày 6/9/2024, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với 28 Sở Y tế các tỉnh, thành phố ; một số bệnh viện, viện tuyến Trung ương. Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện các phương án phòng, chống:
Trước bão: Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế. Kiểm tra các cơ sở y tế tại địa phương sẵn sàng cơ động cấp cứu; thành lập tiểu ban tiền phương sẵn sàng ứng trực, cấp cứu, thu dung, phân loại nạn nhân; tiểu ban hậu phương chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc phòng chống lụt bão, cơ số giường bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện vận chuyển, máy phát điện…
Trong bão: Duy trì trực cấp cứu 24/24h, sẵn sàng khi có tình huống; thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ; thành lập các đội cấp cứu cơ động (bao gồm danh sách nhân lực, số điện thoại, phương tiện, vật tư đi kèm…). Đảm bảo thực phẩm, nước sạch cho người bệnh.
Sau bão: Tiếp tục xử lý các trường hợp bị tai nạn do bão lụt; tiến hành công tác xử lý môi trường (khử khuẩn môi trường, xử lý rác thải, xác động vật chết…); đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.
Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Lên các phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy...
Tập trung phân loại người bị nạn để ưu tiên trong công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp, phân luồng người bệnh nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, đường tiêu hóa để tránh lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện.
Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình.