Vàng, dầu sẽ dắt tay nhau đi lên
Dù hạ nhiệt, giá dầu vẫn đang đứng ở mức cao nhất 3 năm qua. Nguy cơ Mỹ thực hiện những lệnh trừng phạt kinh tế cao nhất với Iran vẫn treo lơ lửng, tâm lý lo ngại vì vậy bao trùm thị trường, đẩy giá dầu trong xu hướng đi lên.
Song hành với giá dầu, những bất ổn ở Trung Đông cũng đang đẩy giá vàng đi lên. Giá vàng tuần này ở thị trường châu Á đã tăng 3 USD/ounce so với cuối tuần qua.
Giá dầu mỏ thế giới được dự báo tăng lên 90 USD/thùng vào cuối năm nay. Trong ảnh: Mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Đức Thanh |
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, căng thẳng Mỹ - Iran chắc chắn đẩy giá dầu đi lên, có thể đạt 90 USD/thùng vào cuối năm nay. Giá dầu tăng cũng khiến giá vàng tăng theo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, có hai yếu tố đang đẩy giá dầu và vàng đi lên.
Một là, căng thẳng Mỹ - Iran không chỉ kéo dài ngày một, ngày hai. Hơn nữa, rất khó đoán định các hành động của Tổng thống Donald Trump.
Hai là, khủng hoảng Syria chưa tìm thấy lối ra.
Xu hướng đi lên của vàng, dầu trong năm nay là khó tránh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định, căng thẳng Mỹ - Iran có thể không đáng lo như trong quá khứ. Cụ thể, trước đây, lệnh trừng phạt Iran đã khiến xuất khẩu dầu của nước này mất khoảng 1 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh. Song lần này, nếu Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt, thị trường có thể chỉ thiếu 350.000 tấn, do nhiều nước châu Âu phản đối lệnh trừng phạt.
Hơn nữa, lượng thiếu hụt này có thể được bù đắp do Mỹ đang đẩy mạnh khai thác. Hiện số lượng giàn khoan hoạt động ở Mỹ lên 844 giàn, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Xu hướng giá dầu sẽ rõ hơn trong tuần này, khi Mỹ công bố báo cáo nguồn cung và dự trữ xăng dầu. Trong khi đó, giá vàng được dự báo tiếp tục trụ vững, nhờ tác động tích cực của giá dầu và sự đi xuống đồng đô-la Mỹ.
Không thể chủ quan với lạm phát, tỷ giá
Xu hướng đi lên của giá dầu thế giới đang tác động mạnh đến thị trường trong nước. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, giá dầu tăng sẽ khiến chi phí đẩy toàn thế giới tăng lên. Đối với nền kinh tế nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao trong GDP như Việt Nam, giá dầu tăng sẽ khiến nền kinh tế “nhập khẩu” chi phí đẩy từ bên ngoài, cộng với các yếu tố tăng giá trong nước (tăng giá điện, giáo dục, y tế…), dẫn đến nguy cơ lạm phát gia tăng.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng cho rằng, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng khả năng năng lượng tăng giá có thể làm cho đồng tiền Việt Nam mất giá so với USD và euro; đẩy giá hàng hóa nhập khẩu lên, tạo thêm áp lực cho lạm phát.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu giá dầu tăng mạnh, lạm phát năm nay có thể lên trên 4%.
Với giá vàng trong nước, theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng sẽ cùng chiều với giá vàng thế giới. Đáng mừng là, giá vàng không còn tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, bên cạnh giá dầu, các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, sẽ phải lưu ý đến tỷ giá. Hiện tại, USD đang giảm giá, giúp xuất khẩu có lợi. Hơn nữa, tỷ giá đang được hỗ trợ bởi dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục.
Dù vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Mỹ đang chủ trương tăng lãi suất, đồng nghĩa việc việc USD có thể tăng giá thời gian tới. Ngoài ra, xung đột thương mại dự báo còn gay gắt, có thể khiến xuất khẩu suy giảm. Trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký giảm, kéo theo kỳ hạn dài hạn về nguồn cung yếu đi…
Nói cách khác, những biến động của giá dầu và tỷ giá đang gây sức ép không nhỏ với nền kinh tế trong nước. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, để đối phó với những diễn biến tiền tệ khó lường trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ nên tập trung vào kiểm soát lạm phát, đảm bảo sự linh hoạt hợp lý, đồng thời kiểm soát cơ cấu tín dụng rót vào lĩnh vực ưu tiên.