Doanh nhân
CEO Lưu Thị Thanh Mẫu: Tăng trưởng xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu
Như Loan - 15/11/2022 12:03
Trong buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vào sáng 8/11, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu đã có những kiến nghị về tài chính xanh và công trình xanh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp gỡ với CEO Lưu Thị Thanh Mẫu cùng đoàn đại biểu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sáng ngày 8/11

Mở đầu bài phát biểu, doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu, CEO Công ty Phuc Khang Corporation đã bày tỏ sự tâm đắc trước các quyết sách hỗ trợ “trần tín dụng” ưu tiên cho 5 lĩnh vực bao gồm: nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao với lãi suất tối đa chỉ là 4,5%/năm cho mục tiêu phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một doanh nhân nhiều năm nghiên cứu và theo đuổi lĩnh vực bất động sản xanh theo hướng bền vững, doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu đề xuất Chính phủ nên mở rộng thêm chính sách cho nhóm doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững nói chung và công trình xanh nói riêng thì sẽ góp phần phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng xanh tốt hơn.

“Nhóm ngành này có thể khoanh vùng và phát triển chính sách tài chính xanh, có những điều kiện và yêu cầu chuyên biệt. Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam là giải pháp quan trọng”, Nữ CEO lý giải thêm.

Doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu phát biểu ý kiến đề xuất về tài chính xanh và công trình xanh trước Chủ tịch nước cùng đoàn đại biểu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

Nữ doanh nhân này cho rằng, hiện nay công cụ huy động tài chính xanh chủ yếu vẫn sử dụng qua hình thức phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh chưa phát triển đủ nhanh và mạnh. Đến 30/6/2022 (theo số liệu của Báo Tài chính Tiền tệ), dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Chính vì thế, doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành nghiên cứu thúc đẩy mảng tài chính xanh, tín dụng xanh phát triển, qua đó khuyến khích và gia tăng cả số lượng và chất lượng doanh nghiệp tham gia vào tiến trình nâng cấp nền kinh tế, phát triển bền vững.

Cần sớm có khuôn khổ pháp lý về công trình xanh

Được biết đến là người dẫn dắt doanh nghiệp nêu cao sứ mệnh: “Tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu”, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu đã dành nhiều năm nghiên cứu về xu hướng và thực trạng phát triển công trình xanh trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Đánh giá trước Chủ tịch nước, nữ doanh nhân cho rằng một trong những phương thức hiệu quả góp phần phục hồi, tạo đà phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là phát triển các công trình xanh, khu đô thị xanh sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu quy mô lớn, bền vững trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

“Tăng trưởng xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Phát triển công trình xanh và khu đô thị xanh là một chiến lược ý nghĩa và khả thi”, bà Mẫu nói và đồng thời cho rằng, tăng trưởng kinh tế xanh có thể giảm phát thải khí nhà kính tới 25% dưới kịch bản thông thường của doanh nghiệp vào năm 2030, hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C, phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. 

Hình ảnh thực tế của CTX Diamond Lotus Riverside do Phuc Khang Corporation làm chủ đầu tư hiện đang được xây dựng và đăng ký theo cấp độ Vàng của hai tiêu chuẩn LEED, LOTUS

Tuy nhiên, bà Mẫu cũng nêu lên “cái khó” của các doanh nghiệp theo đuổi con đường phát triển công trình xanh. Cụ thể, số liệu thống kê của Bộ Xây dựng trong vòng 10 năm qua cả nước chỉ có hơn 200 công trình xanh, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 6 triệu m2. Như vậy, số lượng công trình xanh còn rất ít so với số lượng công trình, diện tích sàn xây dựng hàng năm ở nước ta hơn 100 triệu m2.

Đến thời điểm hiện tại, ở nước ta chưa có văn bản pháp luật quy định đầy đủ các tiêu chí là cơ sở đánh giá về công trình xanh phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Trên thực tế, việc đánh giá một công trình nào đó đáp ứng các tiêu chí của một công trình xanh vẫn còn mang tính “tự phát” từ các chủ đầu tư.

Tại Việt Nam, đang tồn tại song song 5 bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh gồm: (1) Hệ thống đánh giá công trình xanh của Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, (2) Bộ tiêu chí “Kiến trúc xanh” của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, (3) Hệ thống đánh giá công trình xanh theo tiêu chuẩn LEED, LOTUS, EDGE.

Nêu ví dụ về thực tiễn quản lý công trình xanh ở các nước trên thế giới, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu cũng có dẫn chứng về việc một số quốc gia đã ban hành văn bản pháp luật chuyên biệt quy định, chẳng hạn như “Bộ Luật công trình xanh 2015 của Philippine” (The Philippine green building code 2015). Mục tiêu của những quy định này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, đồng thời có thể thúc đẩy phát triển các công trình xanh.

Với những viện dẫn cụ thể và đầy tâm huyết, doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu đi đến kết luận: “Chúng tôi kính đề nghị Nhà nước sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành văn bản pháp luật quy định chính thức các tiêu chuẩn về công trình xanh, sớm đưa công tác quản lý nhà nước về các dự án công trình xanh vào khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án công trình xanh phát triển nhằm góp phần vào phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng tốt hơn”. 

Tin liên quan
Tin khác