Được biết, gia đình phát hiện bé bị sưng phồng má và đã đưa bé đi khám tại nhiều bệnh viện lớn trong Nam ngoài Bắc đều được chẩn đoán là u men xương hàm dưới.
Các bệnh viện đều đề xuất phương pháp điều trị là cắt đoạn xương hàm dưới bên trái. Nhưng đại phẫu này có nguy cơ gây biến dạng khuôn mặt và sẽ ảnh hưởng suốt đời cho bé gái chỉ mới 5 tuổi.
Hình ảnh phim chụp cắt lớp vi tính thấy khối u ở xương hàm dưới bên trái có đường kính khoảng 5 cm. |
Sau một thời gian tìm hiểu, gia đình bé đưa đến Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để thăm khám. Theo TS. Đặng Triệu Hùng - người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi cho hay, khi thăm khám ngoài mặt, bé có dấu hiệu phồng góc hàm trái, da trên u bình thường, ấn tức.
Khám trong miệng thấy bé há miệng bình thường nhưng bị phồng bờ trước cành lên xương hàm dưới, ấn có dấu hiệu bóng nhựa và hơi tức, niêm mạc bình thường, không chảy dịch. Để thêm thông tin chẩn đoán chắc chắn hơn, các bác sỹ đã chỉ định chụp phim cắt lớp vi tính.
Nhận thấy tình trạng phức tạp của căn bệnh, TS.Hùng trực tiếp chỉ đạo và điều trị cho bé. Phương pháp cắt đoạn xương hàm gây khuyết hổng quá lớn, có thể dẫn đến tàn phế sau này.
Do vậy, TS.Hùng và các cộng sự cần lựa chọn phương pháp phù hợp để vừa điều trị bệnh, vừa bảo tồn được chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân nhí. Sau thời gian cân não, bác sỹ đã quyết định phẫu thuật cho bé bằng phương pháp nạo vét và mở thông - Dredging method .
May mắn, cuộc phẫu thuật đã rất thành công. Trải qua 4 lần phẫu thuật, theo dõi sau 4 năm phục hồi, hiện giờ xương hàm của bé đã lành thương và được tái tạo hoàn toàn bình thường, không còn bất kỳ biến chứng, di chứng nào, giúp bé có thể sống một cuộc sống bình thường như bao em nhỏ khác.
TS. Đặng Triệu Hùng cho biết, u men xương hàm tiến triển chậm, có thể ủ bệnh trong nhiều năm trước khi bị phát hiện. U có thể gây biến dạng khuôn mặt và xương hàm hoặc gây ra nhiều tình trạng bất lợi cho răng như răng lung lay, cảm giác lỏng lẻo như lung lay răng sữa chuẩn bị rụng.
Môi và/hoặc cằm có cảm giác tê; xương hàm có thể dễ bị gãy. Trong một số trường hợp hiếm gặp, u có thể phát triển lớn đến mức chặn đường thở gây tình trạng khó thở, khó khăn khi há và ngậm miệng hoặc ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, nuốt nói.
Các biến chứng của u men xương hàm thường do sự xâm lấn tại chỗ hoặc thoái hoá ác tính gây di căn xa. Bệnh có thể gây biến dạng hàm trên và hàm dưới tiến triển dẫn đến ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ khuôn mặt.
Trường hợp của bé T.H.A là vô cùng may mắn khi được bố mẹ quan tâm và chữa trị kịp thời. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, ba mẹ nên theo dõi kỹ lưỡng những triệu chứng bất thường ở trẻ. Những dấu hiệu như sưng phồng không đau tưởng chừng vô hại lại có thể là chỉ báo của những căn bệnh nguy hiểm.
TS. Đặng Triệu Hùng - người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi. |
Bác sỹ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến cáo, khi gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào ở má hoặc vùng khoang miệng, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
U men xương hàm là một loại u có nguồn gốc từ liên bào tạo ra men. Vốn là u lành tính nhưng lại âm thầm phát triển nhanh chóng và có thể phá hủy cấu trúc men xương và chuyển thành u ác tính rất nguy hiểm.
U men răng tạo ra bởi các tế bào hình thành từ lớp men lót bảo vệ trên răng. Chúng biệt hóa theo kiểu dị thường, không tạo men răng mà tạo thành u men. Bệnh này được các bác sỹ nghiên cứu và chỉ ra rằng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều hơn ở tuổi trên 40 và ở nam giới bị nhiều hơn nữ giới.
Với 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Răng Hàm Mặt, với kiến thức chuyên sâu và kỹ năng phẫu thuật vượt trội, TS. Đặng Triệu Hùng khuyến cáo các bậc phụ huynh, u men có tỷ lệ tái phát cao sau điều trị, thậm chí sau 10 năm nên cần phải tái khám theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng sau điều trị u men.