Theo lời kể của bệnh nhân, thời gian trước bà thấy khối cứng vùng giữa cổ. Khối u rất cứng và chắc, không kèm theo triệu chứng bất thường như nuốt nghẹn, khó thở hay đau. Lúc đầu bà nghĩ u lành, sẽ tự mất đi nhưng nửa năm sau không hết, bà đi khám tại cơ sở y tế.
Tại bệnh viện qua siêu âm tuyến giáp cho bệnh nhân các bác sĩ phát hiện bướu giáp nhân kích thước 5 mm ở eo giáp, phân loại Tirads 5 (khả năng ác tính cao).
Các bác sĩ trong một ca phẫu thuật tuyến giáp cho bệnh nhân. |
Bướu giáp có hạch, xâm lấn ra ngoài vỏ bao. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) chẩn đoán carcinom tuyến giáp dạng nhú nhóm 6 Bethesda (tỷ lệ ung thư tuyến giáp lên đến 90%).
ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, bướu giáp của bệnh nhân nằm tại vị trí eo giáp - cầu nối giữa hai thùy của tuyến giáp, rất ít gặp. Chỉ có 2 - 9% khối u tuyến giáp ác tính được tìm thấy ở eo giáp, nhưng ung thư ở khu vực này có nhiều khả năng lây lan ra ngoài tuyến giáp hơn rất nhiều so với khối u ở thùy giáp.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Vì bướu nằm ngay sát trên khí quản nên việc bóc tách cần cẩn trọng, thao tác chính xác để tránh làm tổn thương khí quản cũng như dây thần kinh quặc ngược thanh quản gây biến chứng khàn tiếng vĩnh viễn, suy hô hấp sau mổ. Sau hơn một giờ, ca phẫu thuật kết thúc thành công.
Bệnh nhân hồi phục nhanh, tiếp tục được bác sĩ khoa ung bướu phối hợp điều trị phòng nguy cơ tái phát. Eo tuyến giáp nằm giữa hai thùy tuyến giáp, có nhiệm vụ điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể. Đa số các nhân giáp xuất hiện ở vùng eo giáp là lành tính, một số ít phát triển thành tổ chức tế bào ung thư.
Bác sĩ Hiếu thông tin, phần lớn các nhân tuyến giáp kích thước nhỏ < 1cm không gây ra triệu chứng, chỉ được phát hiện khi khám định kỳ hoặc chụp chiếu để chẩn đoán xác định các bệnh lý khác.
Trường hợp bệnh nhân nêu trên tuy nhân giáp nhỏ nhưng nhờ nằm ngay eo giáp nên biểu hiện cộm cổ. May mắn bà phát hiện bệnh sớm, được điều trị bằng phương pháp phù hợp, khả năng tái phát thấp.
Cũng về ung thư tuyến giáp, theo các bác sĩ tình trạng trẻ hóa loại bệnh ung thư này đang khiến áp lực điều trị gia tăng tại các cơ sở y tế.
TS.Ngô Xuân Quý, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K cho biết, phần lớn bệnh nhân ung thư tuyến giáp đến khám và điều trị tại Bệnh viện K do tình cờ phát hiện hoặc khám sức khỏe định kỳ mà thường không có triệu chứng đặc hiệu.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp khác, người bệnh đến viện trong tình trạng khối u, hạch vùng cổ có kích thước lớn, xâm lấn rộng gây chèn ép các cơ quan xung quanh như khí quản, thực quản, dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây ra các triệu chứng tương ứng như khó thở, nuốt vướng, khàn tiếng…
Tổ chức GLOBOCAN thống kê ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam, đây là loại ung thư có tỉ lệ chữa khỏi cao.
Ung thư tuyến giáp được chia ra 4 dạng gồm: Ung thư tuyến giáp thể nhú (chiếm tới 80% trường hợp) phát triển chậm, có khả năng chữa khỏi cao và hiếm gây tử vong; ung thư tuyến giáp thể nang (chiếm tới 15%) có khả năng di căn đến xương, phổi và các cơ quan khác; ung thư tuyến giáp thể tủy (chiếm khoảng 2%) thường có liên quan đến tiền sử gia đình; ung thư tuyến giáp không biệt hóa (chiếm khoảng 2%) khó điều trị, phát triển nhanh chóng và thường di căn nhanh sang các cơ quan khác.
Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích, Khoa Nội tiết, Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, ung thư tuyến giáp là bệnh ác tính phổ biến, chiếm hơn 90% trong tổng số bệnh nhân bị ung thư liên quan đến tuyến nội tiết. Tỉ lệ sống sót sau 10 năm ở người mắc ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang lần lượt là 93% và 85% ở tất cả các giai đoạn bệnh.
Tỉ lệ sống sót sau 10 năm với ung thư tuyến giáp thể tủy là 75%. Ung thư tuyến giáp không biệt hoá cực kỳ hiếm gặp nhưng nguy hiểm, tỷ lệ sống sót sau 1 năm chỉ chiếm 20%.
Bác sĩ Bích giải thích hiện chưa xác định rõ nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, các yếu tố tác động làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp như môi trường ô nhiễm, thuốc lá, nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại…
Hầu hết ung thư tuyến giáp không có triệu chứng biểu hiện ở giai đoạn sớm. Thường các khối u tuyến giáp khó có thể tự phát hiện bằng việc nhìn, sờ trừ khi u to nhiều.
Để phòng tránh ung thư tuyến giáp, các bác sĩ của Bệnh viện K khuyến cáo, biện pháp tốt nhất là nâng cao thể lực và kiến thức sức khỏe.
Theo đó, cần xây dựng thói quen ăn uống khoa học: Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; hạn chế các thực phẩm chiên, rán, nướng, ướp muối, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn... bởi đây là những món ăn không tốt cho cơ thể và là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý ung thư.
Cùng đó, nên vận động thể lực 30 phút mỗi ngày, vừa giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức đề kháng, vừa giảm căng thẳng, mệt mỏi. Trang bị kiến thức về ung thư tuyến giáp và các bệnh ung thư khác để chủ động bảo vệ sức khỏe cũng như phát hiện sớm bệnh ác tính.
Do đó, sự phát triển thầm lặng của ung thư tuyến giáp khiến người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị kịp thời, nguy cơ di căn tới các cơ quan khác.
Một số khối u ung thư tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, chèn ép lên các cơ quan lân cận gây ra các triệu chứng gồm khó thở, khó nuốt, khàn tiếng, mất giọng, sưng đau ở cổ.
Nếu ung thư tuyến giáp di căn sang các vùng khác trên cơ thể người bệnh sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, ăn mất ngon, buồn nôn, ói mửa, sụt cân không lý do.
Để tầm soát phát hiện ung thư tuyến giáp, theo bác sĩ Bích, những người trẻ nên khám sức khỏe tổng quát 1 năm/lần, đặc biệt với những ai có yếu tố nguy cơ cao như có bố mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư tuyến giáp hoặc có tiền sử xạ trị vùng cổ trước đó.
Ngoài ra, khi sờ thấy hoặc nhìn thấy có khối xuất hiện vùng cổ hoặc có triệu chứng khàn tiếng, nuốt khó, nuốt vướng… người bệnh nên tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
Việc chủ động khám sức khỏe tổng quát, trong đó có khám và siêu âm tuyến giáp, là một trong những biện pháp tầm soát và phát hiện sớm ung thư tuyến giáp.
Phát hiện sớm ung thư tuyến giáp giúp nâng cao kết quả điều trị, phòng ung thư di căn biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Một số yếu tố được cho là có liên quan đến bệnh sinh của ung thư tuyến giáp đã được ghi nhận, bao gồm phơi nhiễm phóng xạ (đặc biệt là trẻ em tiếp xúc với phóng xạ, bức xạ), di truyền (hội chứng u tân sinh các tuyến nội tiết type 2A và 2B, các đột biến gen…), chế độ ăn thiếu i-ốt (có thể gây ung thư tuyến giáp dạng nang) hoặc thừa i-ốt (có thể gây ung thư tuyến giáp thể nhú), thừa cân – béo phì.
Để giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp, cần bổ sung rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, hạn chế thực phẩm đóng hộp trong khẩu phần ăn hàng ngày; không lạm dụng rượu bia; không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích;
Đồng thời tăng cường các bài tập luyện thể dục; khám sức khỏe định kỳ; chế độ ăn bổ sung đầy đủ i-ốt; tư vấn di truyền học nếu trong gia đình có người thân ghi nhận mắc ung thư tuyến giáp, đặc biệt là ung thư biểu mô thể tủy của tuyến giáp.