Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé N.T.T (7 tuổi, ở Nghệ An) liệt nửa người bên phải, cơ thể và cánh tay bên trái run bần bật, tri giác nhận biết lơ mơ. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bé T. đã không còn phải dùng máy thở, nhưng hậu quả của tổn thương não thì vẫn hiện hữu, khó hồi phục.
Tại nhiều cơ sở y tế, số ca trẻ nhỏ mắc viêm não, viêm màng não và viêm não Nhật Bản có xu hướng gia tăng. |
Bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới chia sẻ, bệnh nhi tổn thương não nặng nề. Bốn ngày trước vào viện, trẻ sốt cao, co giật, sau đó hôn mê và được chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Trẻ đã thoát giai đoạn nặng, nhưng lâu dài thì còn nhiều khó khăn vì liên quan đến tổn thương não, chưa tự đi tiểu được.
Tương tự, bé N.D.K (7 tuổi, ở Thái Nguyên) vừa nhập viện được hai ngày cũng được chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Dù trong tình trạng nhẹ hơn, nhưng cơ thể bệnh nhi yếu và tinh thần cũng chưa tỉnh táo.
Chị N.T.B (mẹ bé K.) cho biết, trước đó, con ở nhà sốt run người và cứ ăn vào là nôn. Ngày đầu tiên, gia đình chỉ cho con uống thuốc hạ sốt nhưng không hiệu quả đưa vào khám ở bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, điều trị 2 ngày con vẫn sốt liên tục, gia đình xin được chuyển về Bệnh viện Nhi điều trị.
Với trường hợp của K., bác sĩ Nam cho biết, trẻ được phát hiện sớm, nhập viện kịp thời nên tình trạng chưa diễn tiến xấu, cơ hồi phục hồi tốt.
Một trường hợp khác là bé trai 12 tuổi (ở Phúc Thọ, Hà Nội). Bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, sốt cao, cứng gáy, đi lại loạng choạng. Đây là ca bệnh đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản tại Hà Nội trong năm nay.
Theo bác sĩ Nam, từ đầu năm tới nay, tại bệnh viện ghi nhận khoảng 10 ca viêm não Nhật Bản, hơn 50 ca viêm não và hàng trăm ca viêm màng não do virus, vi khuẩn. Đa phần bệnh nhi viêm não Nhật Bản nhập viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao liên tục, co giật, hôn mê...
Di chứng thường gặp ở trẻ là liệt tứ chi, phụ thuộc máy thở với trẻ mắc viêm não Nhật Bản rất nặng. Nếu bệnh nhẹ và vừa, trẻ sẽ có khả năng hồi phục dần.
Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, chỉ tính riêng tuần đầu tiên của tháng 6/2024, tỷ lệ bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh này đã tăng lên gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Các chuyên gia cảnh báo, thời điểm thời tiết miền Bắc nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa và xen kẽ đợt không khí lạnh. Đây điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn phát triển mạnh, tấn công và gây hại cho sức khỏe con người, nhất là trẻ nhỏ.
Bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm ở chỗ, bệnh có thể lây qua đường hô hấp và các triệu chứng ban đầu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như sốt, nôn ói, đau đầu… Nhiều phụ huynh chủ quan, bỏ qua các triệu chứng cảnh báo này nên khi trẻ được đưa tới bệnh viện thì tình trạng đã nặng.
Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 25% ở các nước nhiệt đới và 50% người bệnh có các di chứng thần kinh-tâm thần.
Viêm não Nhật Bản nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nặng nề có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, loét, suy hô hấp…
Ngoài ra, bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ để lại di chứng rất nặng nề, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các di chứng như rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường...
Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị. Do đó, ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, nôn trớ, cứng gáy, ù tai, sợ ánh sáng… phụ huynh cần nghĩ ngay tới bệnh viêm não, viêm màng não và cho trẻ đi khám kịp thời.
Viêm não do virus tỷ lệ khỏi cao, không để lại di chứng. Tuy nhiên, với viêm màng não do vi khuẩn thì tùy từng căn nguyên, tùy tình trạng bệnh nhân đến bệnh viện sớm hay muộn, điều trị có đáp ứng thuốc hay không.
Nếu phát hiện sớm và đáp ứng thuốc, trẻ có thể khỏi hoàn toàn; ngược lại nếu không đáp ứng thuốc, nhiễm khuẩn toàn thân hay kèm bệnh nền… thì có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ.
Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản chung ở nông thôn là vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em.
Bất kỳ ở đâu nông thôn hay thành thị cần khơi thông cống rãnh, tránh ao tù nước đọng, không để các loại lốp xe hỏng, lon bia, nước ngọt đã sử dụng chứa đựng nước mưa để hạn chế muỗi đẻ trứng và sinh sản bọ gậy (lăng quăng) là con đẻ của muỗi.
Các dụng cụ đựng nước sạch cần được đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng. Cần nằm màn khi đi ngủ. Định kỳ y tế địa phương cần tổ chức phun thuốc diệt muỗi.
Phòng bệnh tốt nhất là thực hiện tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vắc-xin được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).
Để phòng tránh bệnh viêm màng não, bác sĩ Tống Thị Ngọc Cầm, Phó giám đốc Trung tâm Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vắc-xin đủ và đúng lịch.
Các vắc-xin có thể phòng bệnh viêm màng não bao gồm vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa, Hexaxim, vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim, vắc-xin ngừa viêm màng não do vi khuẩn phế cầu (vắc-xin Synflorix và Prevenar 13); vắc-xin ngừa viêm màng não do não mô cầu nhóm BC (vắc-xin VA-Mengoc-BC), nhóm A, C, Y, W-135 (vắc-xin Menatra) và viêm màng não mô cầu B thế hệ mới Bexsero; vắc-xin ngừa cúm.
Viêm não Nhật Bản là bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản khi gây dịch ở nước này với số người mắc và tử vong rất cao.
Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên gây bệnh là một loại virus được đặt tên là virus Viêm não Nhật Bản và từ đó tên bệnh cũng được gọi là viêm não Nhật Bản.
Năm 1938, các nhà khoa học người Nhật Bản đã tìm ra vai trò truyền bệnh của loài muỗi có tên Culex Tritaeniorhynchus, sau đó xác định được vai trò vật chủ và ổ chứa chính của virus gây bệnh là loài lợn và chim.
Ở Việt Nam, loài muỗi này thường xuất hiện nhiều vào những tháng mùa nóng, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và đốt người, thường vào thời điểm từ 18 đến 22h. Muỗi thích đẻ trứng trong ruộng lúa, mương.
Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa Hè là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.
Ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.
Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi). Sự xuất hiện vi rút viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virus.
Thời gian nhiễm virus huyết ở lợn kéo dài từ 2 đến 4 ngày với số lượng virus viêm não Nhật Bản trong máu rất cao đủ để gây nhiễm cho muỗi, từ đó muỗi lại truyền bệnh cho người qua vết đốt.