Bệnh án điện tử là mô hình có nhiều ưu điểm khi không cần dùng giấy tờ, sổ sách, mọi quy trình được số hoá toàn bộ, người bệnh giảm thời gian xếp hàng, chờ đợi, giảm chi phí, nhân lực, mang lại độ chính xác cao.
Ảnh minh hoạ. |
Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định từ 1/3/2019, các bệnh viện hạng I triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi từ bệnh án, hồ sơ giấy sang dữ liệu điện tử tại các bệnh viện hiện quá chậm trễ.
Việt Nam có khoảng 1.300 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên. Tuy nhiên, theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, đến giữa tháng 8, cả nước mới có khoảng 50 cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Trong đó, có khoảng một nửa là tuyến huyện.
Trong danh sách đã triển khai cũng không có nhiều bệnh viện hạng I, đặc biệt chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào thực hiện.
Đến nay, mới có 2 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 2 bệnh viện trực thuộc trường đại học triển khai bệnh án điện tử gồm: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Thống kê cho thấy tỉnh Quảng Ninh hiện còn có 2 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử gồm: Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Tại Hà Nội, có 40 bệnh viện công lập nhưng mới có 4 cơ sở chính thức công bố triển khai bệnh án điện tử gồm 2 bệnh viện hạng I là Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và 2 bệnh viện hạng II là Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện Vân Đình. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đến ngày 28/7 năm nay mới chính thức triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.
Liên quan đến bệnh án điện tử, theo Thông tư 46/2018, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng I trở lên hết năm 2023 phải triển khai bệnh án điện tử. Tới giai đoạn từ năm 2024-2028, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Trong dự thảo đang lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức, cơ quan này đề xuất hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Theo một chuyên gia, hiện nay việc triển khai bệnh án điện tử gặp nhiều khó khăn cả về tài chính và hướng dẫn triển khai. Hiện nay, các bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện như các phần mềm HIS quản lý bệnh nhân, phần mềm liên thông bảo hiểm xã hội...
Tuy nhiên, để triển khai bệnh án điện tử còn cần thêm nhiều phần mềm khác như phần mềm liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả xét nghiệm máu…
Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế Trần Quý Tường cho hay, có nhiều nguyên nhân chính dẫn tới việc các bệnh viện chưa mạnh dạn triển khai bệnh án điện tử.
Trước hết do nhận thức và quan tâm của các lãnh đạo cơ sở y tế đến số hóa, chuyển đổi số y tế chưa thật sự sâu sát. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, đặc biệt cơ chế tài chính chưa có. Hiện kinh phí công nghệ thông tin dựa vào ngân sách nhà nước cấp hoặc dựa vào bố trí của cơ sở y tế chứ không có hạng mục riêng.
Để tăng tốc việc thực hiện bệnh án điện tử, vừa qua Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã ký ban hành công văn về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Hồng Lan, chuyển đổi số là một nhiệm vụ chính trị. Toàn ngành phải đẩy mạnh thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; tiếp tục triển khai đầy đủ các nội dung Chỉ thị số 12 năm 2019 của Bộ trưởng Y tế về đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trong ngành y phải ưu tiên kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số;
Đồng thời dành tối thiểu 1% các nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị để chi cho ứng dụng công nghệ thông tin theo Chỉ thị số 02 năm 2009 của Bộ trưởng Y tế về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong ngành y tế.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, người đứng đầu ngành y tế yêu cầu khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy theo quy định tại Thông tư số 46 năm 2018 của Bộ Y tế; triển khai y tế từ xa theo quy định tại Thông tư số 49 năm 2017; triển khai đơn thuốc điện tử theo các hướng dẫn đã ban hành.
Ngoài ra, cần triển khai đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, nhận dạng sinh trắc học khi đăng ký và trong quá trình khám chữa bệnh.
Việc triển khai phần mềm bệnh án điện tử sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cơ quan quản lý, cho các giám đốc trong quản lý bệnh viện. Đồng thời, sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ nhanh, giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám chữa bệnh.