- VCBS: Nếu Tân Hoàng Minh vỡ nợ, nhiều ngân hàng và thị trường tài chính sẽ bị ảnh hưởng
- Siết trái phiếu doanh nghiệp: Sức khỏe doanh nghiệp bất động sản vẫn tương đối an toàn
- Bộ Tài chính cảnh báo nguy cơ mất tiền khi mua trái phiếu doanh nghiệp “chui”
- Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất
Trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp sau khi tín dụng bất động sản bị siết chặt từ năm 2018. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Thị trường có quá nhiều biến tướng
Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của nhóm công ty Tân Hoàng Minh với tổng giá trị phát hành lên tới 10.000 tỷ đồng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rúng động. Nhiều nhà đầu tư hoang mang, trong khi doanh nghiệp phát hành cũng phải tính toán khả năng gọi vốn qua hình thức này.
Theo ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành trên thị trường khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 11,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và khoảng 14,5% GDP năm 2021.
Từ khi tín dụng bất động sản bị siết chặt vào năm 2018, trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp. Song sau khi sự việc Tân Hoàng Minh xảy ra, nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu (nhất là trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành) đã vội vàng hoàn trả lại trái phiếu cho đơn vị phát hành, chấp nhận mất lãi hoặc bán lại với giá chiết khấu do lo ngại về mức độ rủi ro.
Theo các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS, việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh trong ngắn hạn sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến khả năng huy động vốn của nhóm doanh nghiệp bất động sản do nhà đầu tư sẽ có góc nhìn dè dặt hơn rất nhiều về tính an toàn của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Việc thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gây lo ngại rằng, thị trường này sẽ bị bóp nghẹt dù mới đang ở giai đoạn đầu phát triển. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây là hành động cần thiết của cơ quan quản lý. Thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp chảy quá nhiều vào lĩnh vực đầu cơ. Nếu không có giải pháp mạnh tay, gói hỗ trợ nền kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai sẽ có nguy cơ bị trục lợi, chảy tiếp vào lĩnh vực này, gây hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, những năm gần đây, trái phiếu doanh nghiệp rất hiếm chảy vào sản xuất, chủ yếu rót vào lĩnh vực có tính đầu cơ cao là bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản liên tục nâng lãi suất cao để huy động trái phiếu bằng mọi giá nhằm góp vốn, đảo nợ, mua dự án…, khiến doanh nghiệp sản xuất khó huy động vốn. Điều này khiến vốn cho sản xuất teo tóp, trong khi các khu vực đầu cơ ngày càng tăng mạnh, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Chính vì vậy, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, việc thanh lọc thị trường là bước đi cần thiết, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong dài hạn. Sự kiện này là cơ hội để các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp chất lượng khẳng định được độ tín nhiệm với các nhà đầu tư.
Sẽ siết chặt điều kiện phát hành, trách nhiệm các bên
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về việc hủy 9 đợt phát hành của nhóm trái phiếu Tân Hoàng Minh, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trước hết, cơ quan quản lý cần siết chặt các quy định phát hành trái phiếu. Đồng thời, cơ chế quản lý, giám sát, xử phạt cũng cần chặt chẽ và nghiêm khắc hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ còn quá lỏng lẻo. Trong khi đó, các quy định về xử lý sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán còn nhẹ và thiếu chặt chẽ.
Hiện Bộ tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Theo đó, cơ quan soạn thảo sẽ thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu, nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, siết chặt quy định phát hành trái phiếu, quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được giao dịch, đẩy nhanh thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại…).
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cho rằng, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam rất mạnh, trong khi nền tảng cơ sở chưa kịp đáp ứng. Về phía doanh nghiệp phát hành, rất nhiều doanh nghiệp thông tin sức khỏe tài chính thiếu rõ ràng, tài sản đảm bảo không có vẫn được phát hành trái phiếu. Về phía nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm, vẫn còn tâm lý đầu tư theo tính “bầy đàn”.
“Sự sẵn sàng về pháp lý, về thông tin, về trình độ chưa bảo đảm cho phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam”, ông Cường bình luận.
Chuyên gia ADB cho rằng, rất cần khuyến khích sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng phải nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý, cải thiện kiến thức, kỹ năng của tất cả các thành viên tham gia thị trường.
Mới đây, Bộ Tài chính khuyến cáo, nhà đầu tư không mua cổ phiếu chui, nếu không, sẽ có nguy cơ mất toàn bộ tiền đầu tư, thậm chí vi phạm pháp luật. Với doanh nghiệp phát hành, Bộ Tài chính cảnh báo, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.