EU đang nhắm đến "một thỏa thuận chuỗi cung ứng linh hoạt" giữa 27 quốc gia thành viên của EU và Đài Loan. Ảnh: AFP |
Châu Âu đang thiếu một ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn có giống quy mô như của châu Á và họ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vi mạch tích hợp và chip điện tử của Đài Loan để phục vụ các ngành công nghiệp quan trọng.
Đơn cử, các công ty công nghệ như Stellantis có trụ sở tại Hà Lan sử dụng các linh kiện công nghệ cao kích thước nhỏ cho sản xuất xe điện, trong khi Tập đoàn hàng không vũ trụ Pháp Airbus cần chúng cho công nghệ hàng không vũ trụ.
Trong báo cáo thường niên mới được công bố, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho biết, là nạn nhân của căng thẳng eo biển Đài Loan, các công ty châu Âu đang theo dõi vấn đề ngày càng nhạy cảm này và đánh giá những rủi ro tiềm ẩn một cách rất cẩn trọng.
Thế giới đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chất bán dẫn do nhu cầu thiết bị điện tử tăng cao trong hơn hai năm đại dịch Covid-19. Đối với châu Âu, tình hình càng trầm trọng do những căng thẳng địa chính trị mới giữa phương Tây và Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.
Đài Loan cung cấp khoảng 60% chất bán dẫn trên toàn cầu. Đây vốn là một trong những mặt hàng chiến lược trong cuộc chiến công nghệ đang bùng lên giữa Bắc Kinh và phương Tây, còn các nhà sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan đang bị mắc kẹt ở giữa.
Châu Âu nhập khẩu từ 80-95% chất bán dẫn và gần như tất cả chất bán dẫn này đều đến từ châu Á, theo công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics (Vương quốc Anh). Giám đốc điều hành Strategy Analytics, ông Neil Mawston, cho biết: "Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng chất bán dẫn châu Á có thể là thảm họa đối với châu Âu, trong trường hợp xấu nhất".
Các nhà phân tích cho rằng châu Âu sẽ điều chỉnh lại các mạng lưới nhập khẩu chất bán dẫn của mình sang các quốc gia và nhà cung ứng "thân thiện" với phương Tây.
Ông Brady Wang, nhà phân tích từ Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research (Đài Loan), cho biết mạng lưới cung ứng chất bán dẫn của châu Âu sau điều chỉnh có thể bao gồm Malaysia và Việt Nam. Malaysia có ngành sản xuất máy móc và thiết bị đang phát triển, trong khi Việt Nam là điểm đến đầu tư đang quy tụ các "ông lớn" công nghệ bán dẫn của thế giới như Samsung Electronics và Foxconn Technology.
Ông Wang lưu ý rằng, lo ngại rủi ro địa chính trị, các bên mua buộc phải chia nhỏ các chuỗi cung ứng thành chuỗi có sự tham gia của Trung Quốc và chuỗi cung ứng "không có Trung Quốc".
Các công ty sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan như United Microelectronics (UMC) và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) sẽ được yêu cầu tham gia cung ứng cho phương Tây, theo giới phân tích.
UMC - nhà sản xuất chất bán dẫn đạt doanh thu 6 tỷ USD vào năm 2021 - cho biết vào đầu tháng này, họ dự định sẽ thiết lập một "nền tảng sản xuất đa dạng", cho phép hãng này phục vụ khách hàng toàn cầu tốt hơn bằng cách hợp lý hóa logistics.
Trong khi đó, TSMC - nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp động lớn nhất thế giới với doanh thu 61,5 tỷ USD vào năm 2021 - có khả năng sản xuất được một số dòng chip bán dẫn tiên tiến nhất hiện nay.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, châu Âu đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo nhu cầu chất bán dẫn. Đáng chú ý, EU và Đài Loan đã cam kết nâng cấp đối thoại thương mại thường niên vào tháng 5/2022, một động thái hứng phải chỉ trích gay gắt từ phái đoàn Trung Quốc tại Brussels.
Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) thiết lập "một thỏa thuận chuỗi cung ứng linh hoạt" giữa 27 quốc gia thành viên của EU và Đài Loan.