Chủ động các giải pháp
Sau khi phát hiện 11 ca bệnh Covid-19, Bệnh viện K đã chủ động lên phương án điều trị, chăm sóc cho những người bệnh hiện đang cách ly tại 3 cơ sở.
Ông Theo ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, thuôc, vật tư y tế, nhu yếu phẩm hàng ngày sẽ của hơn 4000 người cách ly sẽ được đáp ứng đầy đủ.
Với hàng loạt ca mắc Covid-19 được phát hiện, Bệnh viện K đang chạy đua từng phút ngăn chặn dịch lây lan. |
Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Bệnh viện K đã trao đổi với cơ sở y tế địa phương để người bệnh ngoại trú không bị gián đoạn điều trị
Với người bệnh điều trị ngoại trú, các bác sỹ điều trị Bệnh viện K sẽ liên hệ với người bệnh và trao đổi với cơ sở y tế địa phương để hướng dẫn, theo dõi, điều trị cho người bệnh, hạn chế tối đa vấn đề gián đoạn trong điều trị cho tất cả người bệnh ung thư.
Đối với người bệnh ngoại trú đến kỳ tái khám, các bác sỹ đã trao đổi và hướng dẫn người bệnh đi khám tại các cơ sở điều trị ung bướu.
Bên cạnh đó, theo ông Quảng, Bệnh viện K đã lập danh sách người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện kể từ ngày 16/4 trở lại đây để thông tin cho người bệnh và Sở Y tế, CDC các tỉnh nắm được, truy vết và thực hiện công tác phòng chống dịch.
Bệnh viện đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng để bố trí phương tiện lực lượng tổ chức tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực 3 cơ sở của Bệnh viện K.
Cùng với đó công tác vệ sinh, khử khuẩn tại bệnh viện đang được triển khai tích cực tại từng khoa, từng phòng, từng tầng của cả 3 cơ sở.
Với đặc thù là đơn vị chuyên điều trị về ung thư, Giám đốc Bệnh viện đề nghị hỗ trợ chuyển bệnh nhân sang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc, tất cả nhân viên làm việc ở khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Về nguồn lây theo Giám đốc Phạm Ngọc Thạch, qua phân tích khả năng lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện là từ cộng đồng.
Để phòng chống dịch ông Thạch đề nghị Bộ Y tế giải tỏa bớt bệnh nhân thường sang các bệnh viện xung quanh. Đồng thời đưa các bệnh nhân mắc Covid-19 đã có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 xuống Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 Hà Nam để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Ngoài ra, ông Thạch đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế xem xét cơ chế xét nghiệm sàng lọc hoặc chỉ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, tạm thời không điều trị các bệnh khác do Bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm cao do các bệnh nhân di chuyển từ các địa phương trong khu vực về bệnh viện thăm khám đông, trong khi nhiều người không có biểu hiện lâm sàng mắc Covid-19 khiến công tác phân luồng, khám sàng lọc ban đầu còn nhiều khó khăn…
Tổng lực hỗ trợ các bệnh viện
Với ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đồng ý chuyển các bệnh nhân mắc Covid-19 đã có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 xuống Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 Hà Nam để tiếp tục theo dõi và điều trị, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế trong công tác di chuyển bệnh nhân.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn lực lượng cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vững lòng, tiếp tục đoàn kết, đồng sức đồng lòng, vượt qua giai đoạn khó khăn |
Trước thực tế đã có cán bộ y tế mắc bệnh, nhiều người khác phải cách ly Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K tổ chức chia ca hợp lý để giảm áp lực cho cán bộ, nhân viên y tế trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo "bệnh nhân ở đâu, điều trị tại đó", không tự ý chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để đơn vị tập trung điều trị bệnh nhân nặng.
Lo ngại ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện K, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay khu vực điều trị bệnh nhân nặng của Bệnh viện K là “khu vực xung yếu của xung yếu”, do đó phải sàng lọc khẩn trương, nhanh chóng làm sạch từng khu vực, bảo vệ nghiêm ngặt, phòng thủ chặt, không để dịch bệnh xâm nhập.
Cùng với đó, theo Phó Thủ tướng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương không chỉ là tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 mà còn là địa chỉ, đơn vị có trình độ cao nhất về chuyên môn điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Phó Thủ tướng nhất trí, bệnh viện chỉ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, tạm thời không điều trị các bệnh nhân khác để bảo vệ, gìn giữ lực lượng tinh nhuệ nhất.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để có cơ chế đặc biệt hỗ trợ các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn lực lượng cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vững lòng, tiếp tục đoàn kết, đồng sức đồng lòng, vượt qua giai đoạn khó khăn này, luôn luôn đi đầu toàn quốc trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chiến đấu và chiến thắng dịch Covid-19.
8 biện pháp cấp bách chống dịch
Các sở y tế thành nơi lây nhiễm Covid-19 khiến thành trì chống dịch tuyến đầu bị ảnh hưởng trầm trọng.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đã đưa ra 8 biện pháp cấp bách đòi hỏi các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đã đưa ra 8 biện pháp cấp bách đòi hỏi các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện. |
Theo đó, Cục Quản lý khám chữa bênh yêu cầu các cơ sở y tế khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch của Bệnh viện, Sở Y tế để đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19 theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó có phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực để kịp thời ứng phó: nhân lực, phương tiện phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, các cơ sở thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống Covid-19, kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động cũng cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định.
Tổ chức nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ khi đến cổng/ cửa tiếp đón của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thực hiện giãn cách trong các cơ sở khám, chữa bệnh, hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết. Rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý... không để người bệnh phải nằm ghép. Bố trí khoảng cách ít nhất là 2m giữa các giường bệnh. Bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Khuyến cáo người dân nên đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để được khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh và khuyến cáo người dân không nên đến quá sớm trước lịch hẹn.
Các Bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục rà soát, củng cố năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch. Định kỳ tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên cho nhân viên y tế ở các khoa, phòng có nguy cơ cao và nhân viên làm việc ở khu vực sàng lọc, phân luồng, cách ly; cho người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người bệnh chịu ảnh hưởng nặng khi nhiễm Covid-19: như người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm...
Với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo kê đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.
Chuyển tuyến và quản lý người bệnh xuất viện. Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện. Thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến.
Về quản lý nhân viên y tế theo yêu cầu của Bộ Y tế, Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19: thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc buffet, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, karaoke...