Văn phòng Chính Phủ vừa có Công điện số 1113/CĐ-VPCP về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Hội nghị dự kiến diễn ra vào lúc 14 giờ, ngày 3/8/2023.
Thành phần tham dự hội nghị còn có các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Trong ảnh: Dự án The Grand Manhattan của Tập đoàn Novaland. Ảnh: Lê Toàn |
Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về phía Quốc hội có mời Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật dự họp. Thành phần được mời dự hội nghị còn có chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng được mời dự hội nghị.
Đáng chú ý, thành phần tham dự hội nghị còn có các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản: Tập đoàn Vingroup, SunGroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.INVEST, IMG, Tập đoàn Phú Cường, Becamex IDC Bình Dương, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Nam Long, Công ty Hoàng Quân…
Ngoài ra, các Ngân hàng: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương Việt Nam (Vietinbank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Quân đội (MB Bank); các doanh nghiệp xây lắp như Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng được mời tham dự Hội nghị.
Hội nghị còn mời các chuyên gia: Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam...
Hội nghị sẽ diễn ra tại trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại UBND các tỉnh, thành phố, thành phần tham dự ngoài Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn có lãnh đạo UBND và Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố…
Số doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4%
Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý II/2023 của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý vừa qua, để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành một số cơ chế chính sách, Công điện trong chỉ đạo với nhiều biện pháp giải quyết rất cụ thể và quyết liệt, trong đó có Nghị quyết 33.
Tuy nhiên, theo báo cáo, đánh giá của một số tổ chức kinh tế và một số địa phương thì lĩnh vực bất động sản trong quý vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời còn nhiều khó khăn thách thức, cụ thể như: về thể chế, về pháp lý của các dự án, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu,…và việc tổ chức, triển khai, thực thi của địa phương.
Theo thống kê mới nhất của một số tổ chức khảo sát đánh giá thì lĩnh vực bất động sản vẫn có xu hướng giải thể tăng. Số doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm trước. Hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có thể phân thành nhóm khó khăn, vướng mắc chính sau:
Thứ nhất, nhóm khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Bộ Xây dựng cho rằng nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên (các quy hoạch cấp trên trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định); về điều chỉnh chủ trương đầu tư; về thẩm quyền chuyển nhượng dự án;...
Thứ hai, nhóm khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện. Theo Bộ Xây dựng, cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản.
Trong đó, trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời); một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án; …
Thứ ba, nhóm khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn. Hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai).
Theo đó, doanh nghiệp bất động sản đang phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản thị trường bất động sản thấp nên dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp đang phải áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản, ngoài ra tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.