Điểm nóng
Chiêu trò mượn cớ “vỡ nợ do Euro” để rao bán nhà, đất
Thanh Vũ - 29/06/2024 12:43
Rất hiếm chủ nhà công khai thông tin vỡ nợ của mình trên mạng, nên người mua cần hết sức cẩn trọng trước những tin rao bán nhà, đất với lý do này.

Thông tin “bảy phần thực, ba phần hư”

Cứ đến những ngày hội bóng đá thế giới như World Cup hay Euro, những tin rao bán bất động sản để trả nợ lại xuất hiện với tần suất dày đặc.

Trong những ngày diễn ra Euro 2024, trên một nền tảng đăng tin mua bán bất động sản trực tuyến, một tài khoản (nêu địa chỉ tại Thạch Thất, Hà Nội) rao bán 2 mảnh đất với giá 11 triệu đồng/m2. Thông tin nhấn mạnh, đây là thửa đất để dành  làm homestay, nhưng do chủ đất thua lỗ trong mùa Euro, cần xoay tiền gấp, nên mới bán.

Với lý do tương tự, một thửa đất hơn 200 m2 tại Củ Chi (TP.HCM) được rao bán “cắt lỗ” với giá 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng dùng hình ảnh của khu đất này, một tin khác chỉ đề giá 850 triệu đồng, còn một người tự xưng là em trai chủ đất lại rao bán với giá 4,5 tỷ đồng.

Khi được hỏi, người đăng tin, đồng thời là nhân viên môi giới giải thích: “Mức giá chuẩn mà khách hàng đưa ra là 1,2 tỷ đồng, nhưng ghi là 850 triệu đồng để ‘câu’ tương tác”.

Cá độ bóng đá là vi phạm pháp luật, phạm vào tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Phóng viên viết bài và những nhân vật trả lời phỏng vấn không cổ xúy cho hành vi cá độ dưới mọi hình thức.

Liên hệ với người tự xưng là em trai của chủ đất, anh này lại cho biết, mảnh đất trên có giá chuẩn là 4,5 tỷ đồng. Các đơn vị khác lấy hình ảnh thửa đất đó để minh họa, bản thân chủ đất cũng không hề “vỡ nợ vì Euro”. Để khẳng định độ xác thực của thông tin, người này sẵn sàng đưa sổ đỏ để đối chứng.

Đó chỉ là 2 trong số vô vàn thông tin bán nhà đất kèm lý do “vỡ nợ mùa Euro” đang được rao trên mạng. Tính xác thực của thông tin là một dấu hỏi lớn, mà chỉ chủ nhà và môi giới mới có thể trả lời.

Sử dụng lý do vỡ nợ là cách rao bán sai lầm

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Xuân Chúc, Giám đốc một trung tâm giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, việc bán nhà đất vì thua cá độ bóng đá là lý do mà chủ nhà và môi giới rất ngại chia sẻ. Vì vậy, người mua và nhà đầu tư cần đặt nghi vấn trước những thông tin rao bán công khai như vậy.

Theo phân tích của ông Chúc, kể cả trong trường hợp bị thua cá độ, thì họ cũng không nói ra, bởi 3 lý do.

Thứ nhất, trường hợp vỡ nợ và phải bán nhà gấp, lợi thế thời gian sẽ không đứng về phía chủ nhà, nếu công khai thông tin, họ có thể bị ép giá giảm sâu hơn.

Thứ hai, khác với nhà đầu tư thường chỉ quan tâm tới lợi nhuận, người mua nhà ở thực thường chú trọng tới các yếu tố như phong thủy, tâm linh…, nên không đánh giá cao những căn nhà mà chủ nhà bị vỡ nợ, vì sợ “dính dớp”. Do đó, việc gắn mác “bán gấp vì vỡ nợ” chỉ gây phản tác dụng, khiến tính thanh khoản giảm xuống.

Thứ ba, việc công khai bán nhà vì vỡ nợ cá độ bóng đá không khác gì sự tự thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Với tội đánh bạc, người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Chia sẻ với phóng viên, anh Chiến Nguyễn, thành viên của Đơn vị nghiên cứu thị trường SPE.R cho biết, không ít quảng cáo rao bán nhà đất do “vỡ nợ Euro” chỉ đơn thuần là chiêu trò marketing.

Một số môi giới viên đang tận dụng mùa bóng đá để hợp lý hóa việc chủ nhà “cắt lỗ”, thuyết phục người mua rằng, họ may mắn mua được bất động sản với giá tốt.

“Khách hàng cần phải xác định rõ tiêu chí lựa chọn bất động sản của bản thân và tìm hiểu mặt bằng giá chung của thị trường, để không bị các từ khóa như cắt lỗ, vỡ nợ mùa Euro… đánh lạc hướng”, anh Chiến Nguyễn chia sẻ.

Việc người mua và nhà đầu tư bị cuốn theo các tin rao bán như vậy chính là hệ quả của hiệu ứng mỏ neo. Đây là một thiên kiến nhận thức, thể hiện việc một cá nhân bị ảnh hưởng quá nhiều bởi phần thông tin được cung cấp ban đầu, gây ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định.

Với các trường hợp nêu trong bài, cụm từ “vỡ nợ mùa Euro” chính là chiếc “mỏ neo” đó. Nhiều người nghĩ rằng, những bất động sản này có giá thấp hơn mặt bằng chung, do đã được chủ nhà giảm giá. Cùng với các từ ngữ mang tính thúc giục như “cần bán gấp”, người mua sẽ có tâm lý muốn chốt nhanh giao dịch để sớm thu về “món hời”. Đây là lúc phần lý trí bị lép vế dưới tác động của hiệu ứng mỏ neo.

Tin liên quan
Tin khác