FPT tham dự Triển lãm Auto China 2024 diễn ra từ ngày 25/4-4/5/2024 |
Tay chơi lớn “bật đèn xanh”
Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay chưa khép lại, nhưng đã nhiều thông tin đáng chú ý liên quan thị trường M&A trong năm nay hoặc 2-3 năm tới.
Tại ĐHĐCĐ cuối tháng 4/2024 của CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group), ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT khẳng định trước câu hỏi của cổ đông về kế hoạch M&A trong 3 năm tới rằng, hướng đi của The PAN Group là cần tìm doanh nghiệp thích ứng, nhưng hiện chưa nhìn thấy doanh nghiệp phù hợp với 3 mảng chính của Tập đoàn là nông nghiệp, thực phẩm đóng gói và thủy sản.
“Nếu có kế hoạch M&A, chúng tôi sẽ xin ý kiến cổ đông sau”, ông Hưng nói.
Trong vòng một thập kỷ qua, việc chuyển từ một công ty chuyên về dịch vụ vệ sinh công nghiệp sang một công ty lớn trong ngành nông nghiệp - thực phẩm như The PAN Group hiện nay là nhờ thực hiện một loạt thương vụ M&A với các công ty đầu ngành, như Vinaseed, Aquatex Bến Tre, Lafooco, Bibica, Shin Cà phê…
Trong khi đó, ở các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, tài chính tiêu dùng, bất động sản… vẫn đang có những tay chơi lớn muốn “bật đèn xanh” trong các thương vụ chiến lược sắp tới.
Đi đầu có lẽ là Tập đoàn FPT. Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT bày tỏ tham vọng, FPT muốn mua hết công ty liên quan thiết kế ô tô. Được biết, FPT đặt mục tiêu M&A để đẩy nhanh quá trình thực hiện các hợp đồng lớn và đặc biệt quan tâm doanh nghiệp ngành ô tô.
Theo ông Bình, ngành ô tô thế giới hiện nay “rất lúng túng” và họ cần một bên biết phần mềm và hiểu ngành ô tô, biết bảo mật. Ông cho rằng, đây là cơ hội hiếm hoi, bởi FPT có 4.000 nhân sự đang làm việc trong mảng này. Nhưng để đi nhanh hơn, M&A là một giải pháp. Ngoài ra, lợi thế khác của FPT là khả năng tiếp cận thị trường Nhật Bản - một thị trường M&A khó khăn với các công ty nước ngoài.
Vậy nên, đầu năm nay, FPT đã tiến hành M&A thành công với công ty tại Nhật Bản là Next Advanced Communications (NAC).
Lãnh đạo FPT tiết lộ thêm, chiến lược M&A sẽ được thực hiện với tham vọng không chỉ mở rộng, mà còn đi sâu. Nếu trước đây, FPT thực hiện M&A chủ yếu ở thị trường Mỹ, thì đầu năm nay thực hiện tại Nhật Bản. Thị trường nhắm tới trong tương lai của FPT là Hàn Quốc, Singapore, châu Âu.
Chỉ trong năm 2023, FPT thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ tại Mỹ, Pháp, như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI.
FPT có thể tăng trưởng đều và liên tục do tập trung vào con người, công nghệ. Với việc đạt được mốc 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin ở thị trường nước ngoài, con số 5 - 10 tỷ USD là trong tầm tay.
FPT xác định giai đoạn 2024 - 2026 sẽ tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi xanh và bắt đầu chuyển đổi thông minh. Ngoài định hướng với mảng đang hoạt động, FPT sẽ mở rộng các dịch vụ trong ngành chip bán dẫn, mô hình chip thiết kế và tham gia dịch vụ kiểm thử. Mục tiêu đến năm 2030, Tập đoàn đào tạo được 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn.
Chọn lọc thương vụ M&A
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GEX) khẳng định với cổ đông, Công ty sẽ tập trung hợp tác với các đối tác lớn, tìm kiếm các thương vụ M&A phù hợp. Thời điểm này, Gelex thay đổi tiêu chí từ nhanh sang phù hợp.
“Gelex không ưu tiên những thương vụ mua nhanh. Chúng tôi nhận thấy, muốn đi xa thì cần xây dựng nền móng vững chắc về quản trị. Cơ hội đầu tư cần phù hợp với năng lực, khả năng tài chính và nhân sự”, ông Tuấn nói.
Năm 2023, Gelex có những bước ngoặt trong kinh doanh. Đó là thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế. Gelex lập liên doanh với Frasers triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc, tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng ở giai đoạn đầu. Tập đoàn cũng làm việc với Sembcorp để chuyển nhượng một phần mảng năng lượng. Với nhóm doanh nghiệp thành viên, Gelex tập trung vào thay đổi quản trị, nhất là đơn vị có lợi thế như Cadivi. Việc này nhằm phát triển công ty con có lợi thế, tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác ngoại và chuyển giao công nghệ những mảng sản xuất giá trị cao hơn.
Liên quan mảng điện gió, kế hoạch thoái vốn nằm trong chiến lược của Gelex. Tuy nhiên, Tập đoàn sẽ không phải thoái hoàn toàn, chỉ thoái một phần danh mục mảng năng lượng để tìm, lựa chọn đối tác cùng đồng hành trong các dự án tiếp theo. Hiện tại, danh mục đầu tư mảng năng lượng của tập đoàn này gần 3.500 MW, gồm điện gió, mặt trời.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty cổ phần Thaiholdings xác định, giờ là cơ hội để M&A các dự án bất động sản với chi phí thấp và năm nay chỉ tập trung vào đầu tư tài chính và bất động sản.
Theo đó, mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay được thu hẹp so với năm trước do HĐQT và Ban Điều hành nhận định thời kỳ sôi động của ngành bất động sản đã đi qua, nên đây không phải giai đoạn nước rút bán hàng nhằm ghi nhận doanh thu hay lợi nhuận. Thay vào đó, hiện là lúc Công ty tập trung tìm kiếm quỹ đất sạch, pháp lý rõ ràng để phục vụ mục tiêu dài hạn.
SGI Capital đánh giá, kỳ vọng tăng trưởng cũng đã được phản ánh vào định giá của nhiều doanh nghiệp, khiến việc tìm kiếm cơ hội đầu tư hấp dẫn trở nên khó khăn hơn.
Theo SGI Capital, khả năng dòng tiền vào các tài sản rủi ro có thể đã đạt đỉnh trên khắp toàn cầu (bao gồm cả Việt Nam) khi đón trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất.
Riêng với thị trường Việt Nam, theo thống kê của FiinTrade, lợi nhuận sau thuế của 787 doanh nghiệp niêm yết (chiếm 83% vốn hoá toàn thị trường) cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận đã chậm lại. Tuy vậy, xu hướng phục hồi sản xuất - kinh doanh vẫn là chủ đạo và tiếp tục là nền tảng cho việc chọn lựa các cơ hội đầu tư năm nay.
“Môi trường đầu tư đã kém thuận lợi hơn so với thời điểm tháng 10/2023, nên đòi hỏi doanh nghiệp và nhà đầu tư phải kỷ luật, kiên nhẫn trong việc chọn lựa cơ hội cũng như thời điểm giải ngân để có hiệu quả tốt hơn cho cổ đông”, đại diện SGI Capital cho hay.