Cả nước có 11 công ty tài chính nhưng chỉ có vài ba công ty hoạt động có hiệu quả. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Tiềm năng lớn, nhưng chậm phát triển
Thực tế, tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn trung dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu, chủ yếu do doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp. Hơn nữa, các ngân hàng cũng bị hạn chế cho vay vốn trung, dài hạn. Trong bối cảnh này, cho thuê tài chính là mô hình phù hợp nhất với Việt Nam.
Ông Shimizu, Giám đốc Bộ Phát triển kinh doanh của Công ty Cho thuê tài chính SuMi TRUST Panasonic finance cho biết, cho thuê tài chính rất được doanh nghiệp Nhật ưa chuộng sử dụng sản phẩm vì không cần vốn ban đầu khi đầu tư thiết bị, tiết kiệm được nguồn lực cho quản lý hành chính, dễ dàng nắm bắt được chi phí, dễ dàng xác định thời gian cho thuê phù hợp với thời gian dự kiến sử dụng, có thể thuê rất nhiều loại tài sản, máy móc mà không cần thế chấp, không bị đọng vốn trong tài sản cố định…
Tiềm năng lớn là vậy, nhưng cho thuê tài chính của Việt Nam lại không phát triển, thậm chí rất nhiều công ty rơi vào thua lỗ, nợ xấu cao. Cả nước có 11 công ty tài chính, trong đó có 3 công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, Kexim, Chailease và Công ty TNHH Cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam. Có 8 công ty cho thuê tài chính trong nước, gồm Công ty Cho thuê tài chính Vinashin và 7 công ty cho thuê tài chính trực thuộc các ngân hàng thương mại: Vietcombank, ACB... Trong đó, chỉ có vài ba công ty hoạt động có hiệu quả.
Môi trường pháp lý rủi ro, khó đòi nợ, tổng tài sản thấp, quy mô nhỏ bé, chật vật cạnh tranh huy động vốn với các ngân hàng… là những lý do chính khiến các công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam èo uột. Hầu hết công ty có thể tồn tại hiện nay đều nhờ sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ, về cả nguồn vốn lẫn khách hàng.
Thị trường tỷ USD đang chờ khai phá
Sự èo suột của lĩnh vực cho thuê tài chính ở Việt Nam khác biệt với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình này trên thế giới. Tính trên toàn cầu, tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD, riêng tại Trung Quốc khoảng 550-600 tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên Infomoney, ông Cao Văn Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính cho biết, thị trường cho thuê tài chính như một miếng bánh lớn, song vẫn chưa được khai phá. Nguyên nhân bắt đầu từ hai phía, trong đó doanh nghiệp (bên thuê tài chính) năng lực quá yếu kém, đặc biệt là năng lực quản trị điều hành, gây ra cảm giác thiếu an toàn. Còn phía công ty cho thuê tài chính (bên cho thuê) năng lực vốn cũng còn nhỏ, tổng tài sản chỉ dưới 2.000 tỷ đồng/công ty. Điều này khiến lĩnh vực này vẫn chưa thể phát triển, dù cơ chế đã được “mở”.
Điều đáng mừng là hoạt động cho thuê tài chính đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Bằng chứng là cuối tuần qua, Công ty Cho thuê tài chính BIDV - SuMi TRUST (BSL), liên doanh giữa BIDV và Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) của Nhật Bản đã chính thức khai trương. Đây là liên doanh cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam, có vốn điều lệ gần 900 tỷ đồng, trong đó BIDV sở hữu 50%.
Rất nhiều khả năng, sự tham gia của cổ đông SuMI TRUST, BSL sẽ thu hút được sự quan tâm của 3.200 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam - vốn rất quen thuộc với hoạt động cho thuê tài chính, từ đó dần dần mở rộng tới khách hàng FDI khác cũng như doanh nghiệp trong nước. Bắt tay với nhà đầu tư ngoại có kinh nghiệm, mạng lưới khách hàng hùng hậu cũng là bước tiếp cận đúng đắn trong bối cảnh hiện nay của các công ty cho thuê tài chính.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các công ty tài chính không mất nhiều thời gian để “bùng nổ” thời gian gần qua, bắt nguồn từ sự dẫn đầu của một vài công ty tài chính ngoại. Nếu các công ty cho thuê tài chính có thể học tập kinh nghiệm này thì lĩnh vực cho thuê tài chính ở Việt Nam cũng có thể phát triển như vũ bão, trong đó những doanh nghiệp tiên phong sẽ sớm chiếm được thị phần lớn trong miếng bánh tỷ USD này.