Làm ăn lớn, phải có ngân hàng đứng sau
Tại khu đồng trũng, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội), không ai là không biết “tỷ phú” Nguyễn Đăng Bảy. Theo ước tính của ông Bảy, năm nay, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận từ trang trại cá, gà, lợn của ông tới hơn chục tỷ đồng.
“Nghề chăn nuôi đã ngấm vào máu nên tôi rất đam mê, nhưng để làm ăn lớn, dứt khoát phải có ngân hàng đứng sau. Chi phí đầu tư mỗi trang trại gà hết khoảng 3 tỷ đồng, trang trại lợn nái 400 con khoảng 12 tỷ đồng. Nếu không có ngân hàng, chúng tôi không thể nào có vốn làm được trang trại. Rất may mắn là bất kỳ ý tưởng kinh doanh nào của chúng tôi đều được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tư vấn tận tình từng khâu và cũng giám sát quản lý vốn rất chặt chẽ. Từ chỗ vay 7 triệu đồng, hiện tôi đang có dư nợ 20 tỷ đồng ở Agribank”, ông Bảy cho hay.
Cần mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ cho việc xây dựng nông thôn mới |
Một tỷ phú khác ở xã Tiên Dương là hộ ông Trần Văn Hiệu. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, được sự động viên của cán bộ tín dụng Agribank, ông đã vay vốn phát triển mô hình trang trại chăn nuôi gà, lợn, doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm.
Được biết, toàn xã Tiên Dương có tới 34 trang trại lớn, trong đó có 14 trang trại đã được công nhận chính thức. Hầu hết các trang trại lớn này đều được hình thành và phát triển nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, điển hình là Agribank.
Ông Trần Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Tiên Dương cho hay: “Agribank rất mạnh dạn cho các hộ nông dân vay vốn. Ngoài những mô hình trang trại lớn như hộ ông Bảy, ông Hiệu, thì mô hình chăn nuôi vay ngân hàng vài chục triệu đồng rất nhiều. Chính vì vậy, dù xã bị thu hồi nhiều đất nông nghiệp để phục vụ đô thị hóa, nhưng đời sống của người dân vẫn ổn định, thu nhập tăng”.
Mắc kẹt tài sản thế chấp
Đông Anh là huyện thứ hai ở Hà Nội vừa được công nhận huyện nông thôn mới. Để có được diện mạo mới này, dòng vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò rất lớn, đặc biệt là vốn vay từ Agribank. Tính đến ngày 30/11/2016, tổng dư nợ cho vay của Agribank tại địa bàn Đông Anh là 5.635 tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp gần như tuyệt đối (chiếm 99,85% tổng dư nợ cho vay), nợ xấu chỉ hơn 1,3%.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân vẫn khẳng định, việc vay vốn vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về tài sản thế chấp. Theo ông Trần Văn Hiệu, để đầu tư một nhà xưởng với hệ thống gần 20 máy ấp trứng, ông phải bỏ ra gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ phần tài sản trên đất này không được công nhận là tài sản thế chấp. Ông phải huy động hết sổ đỏ của người thân trong gia đình để thế chấp.
Chia sẻ nỗi băn khoăn của người dân, ông Nguyễn Hữu Hòa, Giám đốc Agribank Chi nhánh Đông Anh cho biết, theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, tài sản trên đất không được công nhận là tài sản thế chấp nên ngân hàng dù thấu hiểu và chia sẻ với người dân, song cũng “mắc kẹt” vì không dám làm trái luật.
Được biết, không chỉ Agribank, mà nhiều ngân hàng cũng vướng mắc với quy định tài sản thế chấp và đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước thay đổi quy định trên.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra mới đây, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh đã kiến nghị, cần mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp, nông thôn, bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp (như nhà xưởng sản xuất hay các hạng mục công trình ao cá) theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.