Thực tế, có tới 90% người dân vẫn coi ATM là ví rút tiền di động |
Năm 2017, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cách nhau chưa đầy 1 tháng, áp lực cung tiền cũng theo đó tăng lên nhiều so với những năm trước. Thực tế cho thấy, nếu bình thường, các ngân hàng chỉ cần tiếp quỹ 1-2 lần/ngày/máy thì trong những ngày này, lượng tiếp quỹ tăng lên 3 - 4 lần, thậm chí có điểm phải tăng lên 5-6 lần; lượng giao dịch mỗi máy ATM tăng khoảng 40% so với ngày thường.
Cơ quan quản lý đã chỉ đạo ngân hàng áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt như sử dụng ATM di động, thống nhất với các doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại đơn vị, cử nhân viên “trực chiến” 24/7, song tại nhiều nơi, tình trạng xếp hàng dài rút tiền, ATM nghẽn, hết tiền không phải đã hết.
So với bình quân các nước, số lượng máy ATM, máy POS và hạ tầng thanh toán ở Việt Nam không phải là kém, với hơn 106 triệu thẻ, 16.500 máy ATM và hơn 217.000 máy POS. Thế nhưng, tại sao năm nào vào dịp lễ, tết, ngành ngân hàng cũng vẫn loay hoay chống nghẽn?
Nguyên nhân là bởi, dù hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt đã được đầu tư khá tốt, song thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn diễn ra phổ biến khi có tới 90% người dân coi ATM là ví rút tiền di động.
Thói quen sử dụng tiền mặt không chỉ gây khó khăn cho những người sử dụng vào những dịp cao điểm, mà còn khiến chi phí in ấn, kiểm đếm, vận chuyên, lưu kho… rất lớn. Chính thói quen sử dụng tiền mặt còn khiến nhiều dịch vụ tiện ích của thẻ ATM bị lãng phí, hệ thống ATM của ngân hàng thì “đến hẹn lãi nghẽn”.
Hiện tỷ trọng sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đã giảm, nhưng thanh toán tiền mặt chậm giảm. Minh chứng là nếu những năm cuối của thập kỷ 90, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là trên 32%, đến năm 2010 là 14% thì nay còn ở mức 12%.
Rõ ràng, thanh toán tiền mặt đang khiến cả chủ thẻ lẫn nền kinh tế lãng phí thời gian, chi phí. Chính vì vậy, giảm thanh toán bằng tiền mặt sẽ vừa giúp tiết kiệm chi phí cho nền kinh tế, vừa góp phần chống thất thu thuế, giúp kiểm soát hiệu quả hơn lượng tiền cung ứng.
Song, để thuyết phục người dân sử dụng ATM vào mục đích thanh toán thay vì rút tiền, các ngân hàng cũng phải hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động thanh toán và bảo vệ quyền lợi của “thượng đế”, đồng thời gia tăng tiện ích nhằm đáp ứng tốt hơn như cầu của khách hàng.
Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới 10%. Hy vọng, khi đó, sẽ không còn cảnh các ngân hàng mướt mồ hôi chống nghẽn ATM mỗi dịp Tết đến, Xuân về.