Doanh nhân
Chu Đức Minh, Nhà sáng lập nền tảng Communi: Đưa trí tuệ Việt vào thị trường phần mềm toàn cầu
Bùi Nhung - 14/11/2024 08:18
Chỉ 1 năm sau khi gây dựng đội ngũ và phát triển sản phẩm, Chu Đức Minh đã gọi vốn thành công. Anh quyết tâm đưa nền tảng Communi ra thế giới, hướng tới mục tiêu chinh phục khách hàng toàn cầu.
Chu Đức Minh, Nhà sáng lập nền tảng Communi.

Giải pháp giao tiếp của doanh nghiệp

“Lúc nào tôi cũng thấy mình không đủ thời gian”, Chu Đức Minh nhận ra điều này sau gần 2 năm khởi nghiệp với Công ty cổ phần Piscale, đơn vị sở hữu nền tảng Communi. Trước đây, khi làm Giám đốc Công nghệ (CTO) của mạng xã hội Gapo, anh chỉ cần tập trung vào mảng công nghệ, còn những vấn đề về pháp lý, tài chính, nhân sự... đều có người khác lo. Nay tự đứng ra làm riêng, Minh nhiều lần thấy stress, nhưng luôn cố gắng vượt qua.

Communi là nền tảng cung cấp bộ công cụ phần mềm giao tiếp, cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, phát triển game, nhân sự, công nghệ giáo dục... tích hợp các chức năng giao tiếp vào ứng dụng di động hoặc website. Các công cụ này giúp doanh nghiệp tập trung chăm sóc trải nghiệm khách hàng theo hướng cá nhân hóa, như hướng dẫn khách hàng lần đầu tiếp cận nền tảng, giải đáp nhanh chóng và chính xác thông qua qua trợ lý ảo thông minh, thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng...

Tháng 3/2024, Communi gọi thành công vòng tiền hạt giống (pre-seed) từ quỹ đầu tư mạo hiểm VIC Partners và nhà phát hành game Funtap.

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ gọi thêm vòng vốn hạt giống (seed) vào quý I/2025. Tới cuối quý I/2025, trong trường hợp không gọi vốn, thì Communi vẫn có thể hòa vốn và có lãi; nếu gọi vốn thành công, chúng tôi sẽ tập trung phát triển sản phẩm và mở rộng quy mô Công ty.

Nhà sáng lập Chu Đức Minh

Ngoài hỗ trợ quá trình giao tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng, bộ giải pháp của Communi có thể tích hợp trong các phần mềm làm việc nội bộ của doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động trao đổi, liên lạc theo phòng/ban, dự án hoặc từng phần công việc.

Theo đánh giá của Nhà sáng lập sinh năm 1984, thị trường nền tảng giao tiếp rất tiềm năng. Trên phạm vi toàn cầu, hãng nghiên cứu thị trường Statista ước tính quy mô thị trường đạt 21,7 tỷ USD vào năm 2025. Riêng ở Việt Nam, dung lượng thị trường cho nhu cầu phần mềm/giải pháp thông tin liên lạc có thể đạt đến 40 - 60 triệu USD/năm, tốc độ tăng trưởng ngành này đạt 25 - 38%/năm. Dư địa cho các dịch vụ, công cụ giao tiếp là đủ lớn, khi hầu hết doanh nghiệp đều có website, ứng dụng, hệ thống quản trị riêng.

Bắt đầu phát triển vào tháng 3/2023, chỉ 8 tháng sau, Communi đã có khách hàng đầu tiên. Minh kể, đơn hàng đến như cái “duyên”. Trong một lần ngồi uống cà phê với người quen, anh tình cờ nhắc đến bộ công cụ Communi. Người này làm về mảng phát triển nền tảng thương mại điện tử và nhận thấy Communi chính là thứ mà công ty của mình đang cần. Hai bên nhanh chóng tiến hành ký hợp đồng, thậm chí không cần thảo luận về giá.

“Khởi đầu đó đã tạo đà để chúng tôi phát triển”, Minh chia sẻ.

Communi hướng tới nhóm khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, với số lượng người dùng cuối tối thiểu là hơn 10.000 người cho đến vài trăm ngàn người. Đại diện Communi cho biết, ngoại trừ các sàn thương mại điện tử top đầu như Shopee, TikTok Shop... tự phát triển công cụ giao tiếp, các sàn thương mại điện tử khác như SapoMall, Droppii Mall đã trở thành khách hàng của Communi. Hiện start-up đã hoàn thiện sản phẩm, sẵn sàng đáp ứng tới hơn 90% nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam.

Đưa sản phẩm Việt ra thế giới

Trước khi khởi nghiệp với Communi, Chu Đức Minh có 14 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ, từng đảm nhận nhiều vai trò tại các tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam, như FPT, VCCorp, Viettel... Ngay trước thời điểm thành lập Communi, anh là đồng sáng lập, CTO của Gapo.

Nhìn thấy những khoảng trống trên thị trường, cộng thêm kinh nghiệm lâu năm trong ngành công nghệ, Minh quyết định rời Gapo để khởi nghiệp. Anh nhanh chóng tập hợp được đội ngũ nòng cốt, gồm 8 thành viên, trong đó Chu Đức Minh giữ vai trò là CEO, Nhà sáng lập duy nhất. “Những tri thức, kinh nghiệm từ việc xây dựng và tái cấu trúc trong quá khứ là tiền đề để lần khởi nghiệp này của tôi thuận lợi hơn”, Minh thừa nhận.

Tuy vậy, anh cùng các cộng sự cũng phải đối mặt với một số khó khăn cơ bản trên thị trường Việt Nam. Đó là, nhiều doanh nghiệp không chú trọng đến trải nghiệm khách hàng, đặc biệt là những doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ hướng đến nhóm khách hàng doanh nghiệp, thay vì khách hàng cá nhân. Nhóm doanh nghiệp này thường chỉ tập trung vào khâu bán hàng.

Đối với nhóm doanh nghiệp hướng đến khách hàng cá nhân, đã phát triển ở quy mô vừa và lớn, thì việc có tập trung xây dựng trải nghiệm khách hàng hay không lại phụ thuộc vào tư duy của người lãnh đạo. Trên thực tế, không phải lãnh đạo nào cũng đánh giá cao tầm quan trọng của xây dựng trải nghiệm khách hàng.

Đó cũng là một trong những lý do Chu Đức Minh cùng đôi ngũ quyết tâm đưa Communi ra toàn cầu. Nhà sáng lập tiết lộ, Communi đang tích cực tìm kiếm đối tác để xúc tiến quá trình mở rộng ra khu vực Đông Nam Á.

Trong tính toán của Chu Đức Minh, việc đưa sản phẩm ra toàn cầu cũng có thể gặp một số khó khăn. Communi là dự án đầu tiên mà anh giới thiệu với thị trường nước ngoài, nên việc tìm đúng đường đi, nước bước, cách thức triển khai… là “bài toán” không dễ, cần nhiều nỗ lực và thử nghiệm.

Nhưng, Minh khá tự tin vào lợi thế cạnh tranh của Communi. Theo anh, một số công ty phần mềm giao tiếp tỷ USD trên thế giới hiện chỉ tập trung vào một khâu nhất định, nên xuyên suốt hành trình giao tiếp với khách hàng, doanh nghiệp sẽ cần tích hợp phần mềm của 3 - 4 bên cùng lúc. Quá trình tích hợp không dễ dàng, vì cấu trúc phần mềm của mỗi bên khác nhau.

Với Communi, doanh nghiệp chỉ cần cài một nền tảng duy nhất, trên đó đã có sẵn bộ công cụ để khách hàng tự điều chỉnh, sắp xếp theo nhu cầu của mình. “Communi mong muốn góp phần đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới, khẳng định sản phẩm công nghệ Việt Nam có thể phục vụ được khách hàng toàn cầu”, đại diện Communi cho biết.

Tin liên quan
Tin khác