Sáng 12/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên kết thúc phần xét hỏi đối với các bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Theo đó, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh, Tổng giám đốc Công ty Yên Phước bị đề nghị tuyên phạt 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”; 16-17 năm tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”, tổng hợp hình phạt là 21-23 năm tù; phạt bổ sung từ 200-300 triệu đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố trong phiên xét xử. |
Cùng các tội danh trên, bị cáo Ngụy Quang Thuyên, quản lý tại Mỏ than Minh Tiến bị đề nghị tuyên 4-5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và 16-17 năm tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”, tổng hợp hình phạt là 20-22 năm tù; phạt bổ sung từ 50-60 triệu đồng.
Doãn Thị Định, Kế toán Công ty Yên Phước bị đề nghị lần lượt 18-24 tháng tù và 5-6 năm tù về 2 tội danh trên, tổng hợp hình phạt là 6 năm 6 tháng đến 8 năm tù, miễn hình phạt bổ sung.
Đỗ Thị Luyến, nhân viên Công ty Yên Phước bị đề nghị tổng cộng 6-8 năm tù, miễn hình phạt bổ sung.
Các bị cáo phạm tội “Sử dụng trái phép vật liệu nổ” gồm Ngụy Văn Thủy bị đề nghị 6-7 năm, miễn hình phạt bổ sung; Bùi Minh Hợp 4-5 năm; Nguyễn Văn Hoạt 5-6 năm;
Các bị cáo phạm tội “Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ” Đỗ Văn Vĩnh 7-8 năm tù; Lương Văn Tiến 4-5 năm tù.
Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh khai đã thu lợi bất chính 120 tỷ đồng từ hoạt động khai thác than trái phép. |
Trong vụ án này, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (sinh năm 1970), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước được xác định là chủ mưu, cầm đầu, cùng các đồng phạm đã tổ chức khai thác hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng.
Khai báo tại tòa, bị cáo Linh cho biết, thông qua Đàm Hương Huệ, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Uyên Hiển giới thiệu để móc nối với Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang (cổ đông Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) để ký kết hợp đồng khai thác 400.000 tấn than/ năm.
Về giá tiền, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh khai, bán cho Công ty Đông Bắc Hải Dương là 450.000 đồng/tấn than thành phẩm. “Cơ bản thì Công ty Yên Phước chỉ cho Công ty Đông Bắc Hải Dương thuê mỏ để khai thác, không phải là bán mỏ”, bị cáo này nói thêm.
Bị cáo cũng thừa nhận, đã nhận số tiền khoảng 120 tỷ đồng từ Công ty Đông Bắc Hải Dương, là tiền bán than tại mỏ Minh Tiến. “Bị cáo nhận nhiều lần, có lúc nhiều thì 5 tỷ đồng. Tổng số tiền đến năm 2021 là 90 tỷ 300 triệu. Sau đó Công ty Đông Bắc Hải Dương xin nợ lại hơn 27 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 120 tỷ đồng”.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử liên quan tới việc khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than tại Thái Nguyên. |
Trước đó, cơ quan tố tụng xác định, lợi dụng việc Công ty cổ phần Yên Phước được cấp phép khai thác khoáng sản tại Mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do hai anh em song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang góp vốn, đã cấu kết với Linh, đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản, với công suất vượt nhiều lần trữ lượng được cấp phép.
Cụ thể, từ tháng 6/2018 đến tháng 8/2021, các bị cáo đã khai thác tổng khối lượng hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, trong khi sản lượng được cấp phép chỉ hơn 136 nghìn tấn.
Hai bên thống nhất ký hợp đồng có thời hạn 5 năm, trong đó, Công ty Đông Bắc Hải Dương đầu tư thêm phương tiện, nhân công khai thác đạt công suất tối thiểu 400.000 tấn than/năm; Công ty Yên Phước được hưởng lợi 150.000 đồng/tấn than, 90.000 đồng/tấn bã sàng, 50.000 đồng/m3 đá đen được khai thác.
Để che giấu hoạt động khai thác than trái phép, vượt quá trữ lượng, Châu Thị Mỹ Linh và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã tạo lập khống các hợp đồng khai thác than với sản lượng 8.000 tấn/năm; hợp đồng mua bán thành phẩm sau khai thác, và nhiều hóa đơn, chứng từ, nhằm hợp thức việc kê khai, báo cáo với các cơ quan chức năng.
Cùng với đó, Linh chỉ đạo Ngụy Quang Thuyên (nhân viên, được Linh giao quản lý mỏ) lập và ký với Bùi Hữu Khoa (đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dựơng) các biên bản nghiệm thu khối lượng than nguyên khai được khai thác hàng tháng chỉ từ 900 đến 1.400 tấn, để phù hợp với sản lượng khai thác ghi tại hợp đồng khống và phù hợp với số lượng than được phép khai thác hàng năm.
Châu Thị Mỹ Linh được xác định đã thu lợi bất chính từ việc khai thác than trái phép là 151,7 tỷ đồng; trong đó có 129 tỷ đồng là tiền Công ty Đông Bắc Hải Dương đã trả lợi nhuận theo thỏa thuận của hợp đồng được ký kết. Bên cạnh đó, còn có các chi phí mua đất, đền bù cho người dân, nộp theo quy định...
Số tiền có được, Linh đã viết séc cho thân nhân rút tiền mặt, sử dụng chi tiêu cá nhân và chi cho hoạt động kinh doanh, trả nợ...