Tài chính - Chứng khoán
Chủ tịch COMECO: Năm 2022 khó khăn nhất trong hơn 2 thập kỷ qua
Việt Dũng - 14/04/2023 15:49
Đây là chia sẻ của ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT COMECO tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa được tổ chức.

Ngày 14/4, Công ty cổ phần Vật tư Xăng Dầu (COMECO, HOSE: COM) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. 

Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT COMECO cho biết, trong năm 2022, doanh nghiệp đã gặp phải rất nhiều thách thức, hai khó khăn lớn mà Công ty phải đối mặt là nguồn cung xăng dầu và chiết khấu bán hàng.

Chủ tịch Lê Văn Nghĩa phát biểu tại Đại hội


Trong năm qua, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến rất phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn, các công ty lọc dầu trong nước gặp sự cố kỹ thuật phải ngưng để sửa chữa đã ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước nói chung và kinh doanh của COMECO nói riêng.

Mặc dù được hỗ trợ tích cực từ hai cổ đông lớn nhưng vẫn có những thời điểm thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt giai đoạn từ tháng 7 - 11/2022. Điều này dẫn đến các cửa hàng xăng dầu của Công ty thiếu cục bộ hàng hóa cung cấp ra thị trường.

Với những khó khăn trên, việc kinh doanh của hai cổ đông lớn Saigon Petro và PV OIL cũng gặp nhiều khó khăn và dẫn tới chiết khấu bán hàng cho COMECO thấp, chiết khấu bán hàng bình quân năm 2022 không đủ để bù đắp chi phí bán hàng.

Ngoài ra, Công ty cũng gặp khó khăn với quy định 10 ngày điều chỉnh giá một lần, nhất là trong tình hình giá xăng dầu có sự biến động mạnh khó lường như thời gian qua. 

Mặt khác, Saigon Petro và PV OIL thay đổi chính sách bán hàng, chuyển từ bán lỗ sang bán theo hạn mức hàng ngày nên công tác quản trị hàng tồn kho của Công ty cũng không ít khó khăn…

“Phải nói đây là một năm dị thường. Có những lúc hệ thống phân phối bán lẻ nhận chiết khấu bằng 0, thậm chí âm. Nếu cửa hàng hàng xăng dầu đóng cửa thì sẽ bị rút giấy phép, đặc biệt là trong bối cảnh tại TP.HCM”, ông Nghĩa nói và cho biết thêm COMECO cùng với Petrolimex, PVOIL đều có vốn Nhà nước. Không ai dám đóng cửa, cũng không ai dám rút ngắn thời gian bán hàng của mình, trong khi các cửa hàng tư nhân thì có thể. 

Đồng quan điểm, ông Lê Tấn Thương, Tổng giám đốc COMECO cũng cho rằng, trong suốt 20 năm qua, giá dầu chưa từng biến động mạnh như thế. Trong một ngày, sáng có thể tăng 10%, chiều có thể giảm 5%. Điều này khiến các doanh nghiệp không thay đổi kịp. Hơn nữa, với biến động của các chi phí trong các công thức tính giá cơ sở, các cơ quan quản lý chưa thay đổi kịp. Điều này dẫn tới chi phí tăng cao. 

“Chi phí trong công thức tính giá cơ sở quá thấp so với chi phí thực tế, do đó các doanh nghiệp đầu mối đều lỗ, dẫn tới chiết khấu bán hàng rất thấp, có lúc 0 đồng, thậm chí có lúc âm”, ông Thương nói.

Trong bối cảnh đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty trong năm 2022 chỉ đạt 1,3 tỷ đồng, giảm hơn 96 % so với cùng kỳ, dù doanh thu thuần tăng 81%. 

Quý I/2023, COMECO kinh doanh không lỗ, nhưng chiết khấu vẫn rất thấp. 


Chia sẻ thêm về tình hình hiện tại, ban lãnh đạo COMECO cho biết quý I/2023, Công ty kinh doanh không lỗ, nhưng chiết khấu vẫn rất thấp. 

Theo Chủ tịch Lê Văn Nghĩa, hai cổ đông lớn của COMECO đều là doanh nghiệp Nhà nước và việc bán hàng cho COMECO hay các đại lý và thương nhân phân phối khác hoàn toàn theo chiết khấu thị trường. Nhắc tới điều này để cổ đông biết rằng COMECO không có một chiết khấu đặc biệt nào từ đối tác.

Khi tình hình bi quan, ông Nghĩa cũng nhắc cổ đông rằng thị trường có lúc thuận lợi lúc khó khăn. Trước đây, khi thị trường thuận lợi, COMECO có những năm lãi ròng 70-80 tỷ đồng, thậm chí 90 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 141 tỷ đồng.

“Với hy vọng rằng khi vấn đề thị trường xăng dầu ổn định, tôi tin rằng Nhà nước sẽ nghiên cứu kỹ và điều chỉnh. COMECO vẫn nghĩ về một tương lai tốt đẹp. Tôi hy vọng năm 2023 sẽ có những chuyển biến tích cực. Ngay trong quý 1/2023, hoạt động kinh doanh xăng dầu của COMECO không lỗ. Hy vọng mọi sự sẽ không còn dị thường như năm 2022”, ông Nghĩa chia sẻ

Ban lãnh đạo COMECO nhận định năm 2023 vẫn là năm khó khăn, với giá dầu còn biến động mạnh do căng thẳng địa chính trị, mức cầu về nhiên liệu trong nước suy giảm khi kinh tế khó khăn. Ngoài ra, mức chiết khấu bán xăng dầu vẫn duy trì ở mức thấp trong tháng 1/2023 (bình quân khoảng 295 đồng/lít).

Doanh thu năm 2023 dự kiến là 4.000 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng ở mức 15 tỷ đồng, gấp gần 12 lần cùng kỳ. Kế hoạch kinh doanh năm 2023 được xây dựng dựa trên giả định mức chiết khấu bình quân 750 đồng/lít. Nhưng công ty cho biết mức chiết khấu này chưa bù đắp đủ chi phí kênh bán lẻ tại các công ty xăng dầu.

Tin liên quan
Tin khác