Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So vừa chia sẻ với các chuyên gia phân tích của nhiều công ty chứng khoán về tình hình kinh doanh của Dabaco.
Chủ tịch Dabaco thẳng thắn: “Không riêng Masan mà có rất nhiều tập đoàn muốn hợp tác” và đưa ra lý do khiến chưa thể hợp tác vì “ông nào cũng muốn nắm 60%”.
“Không ai chịu ông 30, tôi 30, thiên hạ 40, thậm chí có ông thích 80%. Nhiều ông bảo tôi nghỉ đi, về đi chơi cho sướng nhưng mình thấy mình cần làm việc”, ông Nguyễn Như So nói.
Đồng thời, vị chủ tịch này tự tin, trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, năng suất là cực kỳ quan trọng và Dabaco tự hào có năng suất đứng đầu cả nước.
Thêm vào đó, doanh nghiệp này có hệ thống, bộ máy, nguồn nhân lực được cho là “cực kỳ ổn định, có tay nghề cao, gắn bó từ 10-25 năm”.
“Tôi nghĩ đến việc phát triển bền vững, không chỉ đời họ (công nhân viên Dabaco hiện tại- PV), mà còn cho con cái họ”, ông So nói.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco (Ảnh: Dabaco). |
Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Dabaco là chăn nuôi lợn và sản xuất giống gà. Bên cạnh đó, Dabaco còn làm “nghề tay trái” là đầu tư bất động sản và có một nhà máy ép dầu.
Tổng đàn lợn nái của công ty hiện có hơn 40.000 con và mục tiêu trong tương lai sẽ tăng lên 60.000 - 65.000 con.
Ông So cho biết, Dabaco chỉ đứng sau tập đoàn CP Thái Lan về thịt lợn tại Việt Nam và cũng là đơn vị sản xuất giống gà lớn nhất cả nước (về gà màu, chứ không làm gà trắng) khi quy mô thị trường trong nước khoảng 170 triệu con thì riêng công suất trang trại của Dabaco tại Bình Phước sẽ nâng từ 37 triệu con lên 60 triệu con giống trong năm nay.
Còn về mảng sản xuất trứng, Dabaco chú trọng trứng có hàm lượng giá trị gia tăng như Omega 3, DHA, “chứ không quan tâm đến trứng tươi”.
Năm 2021, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận hơn 900 tỷ đồng, trong đó, 100 tỷ đồng đến từ mảng bất động sản. Hai tháng đầu năm 2021, Dabaco ghi nhận doanh thu 2.280 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 268 tỷ đồng, xấp xỉ 30% kế hoạch.