Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: AFP |
Tại buổi chất vấn gần đây của Tiểu ban giám sát đặc biệt về khủng hoảng Covid-19 do Hạ viện Mỹ thành lập, lãnh đạo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ vững quan điểm rằng phần lớn lạm phát gia tăng là do các yếu tố gắn với việc kích hoạt lại các hoạt động kinh tế.
Trong số đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell dẫn chứng vé máy bay, giá phòng khách sạn và gỗ xẻ cùng với nhu cầu tiêu dùng nói chung tăng cao, đã thúc đẩy nền kinh tế Mỹ vốn một năm trước phải đối mặt với những biện pháp hạn chế đáng kể do chính phủ áp dụng trong những ngày đầu của dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, những yếu tố này sẽ "tự giải quyết" trong những tháng tới, theo ông Powell.
"Tôi sẽ nói rằng những tác động này (lạm phát) lớn hơn chúng ta dự đoán, và chúng có thể tồn tại dai dẳng hơn chúng ta nghĩ", ông Powell nhấn mạnh. "Nhưng dữ liệu sắp tới rất phù hợp với quan điểm rằng những yếu tố đó sẽ suy yếu theo thời gian và lạm phát sau đó sẽ giảm dần về mục tiêu của chúng tôi (2% - BTV) và chúng tôi sẽ theo dõi điều đó một cách thận trọng", Chủ tịch Fed nói.
Lạm phát toàn phần của Mỹ trong tháng 5 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng cao nhất trong gần 13 năm qua, trong bối cảnh giá ô tô đã qua sử dụng ở Mỹ tăng vọt và nhu cầu một loạt các mặt hàng khác cũng tăng cao khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng.
Fed dự kiến công bố cập nhật chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi vào ngày mai 25/6. Dow Jones ước tính chỉ số này trong tháng 5 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 3,1% trong tháng 4. Nếu ước tính này chính xác, đây sẽ là mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/1992.
Các thành viên đảng Cộng hòa trong Tiểu ban giám sát đặc biệt về khủng hoảng Covid-19 liên tục chất vấn Chủ tịch Fed về khả năng liệu nền kinh tế Mỹ có xảy ra tình trạng siêu lạm phát của những năm 1970 và đầu những năm 1980 khi lạm phát đạt đỉnh trên 10% hay không.
Thế nhưng, Chủ tịch Fed cho rằng một kịch bản như vậy là "rất khó xảy ra". "Những gì chúng ta đang thấy là lạm phát ở các loại hàng hóa và dịch vụ cụ thể đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng mà chưa ai trong chúng ta từng trải qua", Chủ tịch Fed nhấn mạnh.
Ông Powell cũng cho rằng tình hình lạm phát hiện tại là do nhu cầu lao động, hàng hóa và dịch vụ cực kỳ lớn, kết hợp với "phía cung có hơi hướng đi ngang". Chủ tịch Fed cam kết rằng cơ quan này sẽ thận trọng trong thực hiện trọng trách của mình.
Theo đó, Fed cam kết ổn định giá cả và đã xác định ổn định giá cả, sẵn sàng sử dụng các công cụ trong tay để níu lạm phát ở mức 2%. "Tất cả những điều này gợi mở cho tôi về một tập phim giống những gì chúng ta đã thấy vào những năm 1970… Tôi không nghĩ mọi thứ sẽ xảy ra như vậy", Chủ tịch Fed nói.
Tuy nhiên, các thành viên phe Cộng hòa trong Tiểu ban giám sát đặc biệt về khủng hoảng Covid-19 đã bác bỏ những kiến giải lạm pháp của Fed, phần lớn trong số họ đổ lỗi các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã dẫn đến áp lực tăng giá và có thể buộc Fed phải tăng lãi suất sớm hơn.
Trong khi đó, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Carolyn B. Maloney cho biết bà lo lắng nhiều đến việc Fed phản ứng vội vàng trước áp lực lạm phát mà bà cho rằng sẽ không kéo dài. Một thành viên đảng Dân chủ khác, bà Maxine Waters cũng tỏ ra không quá lo lắng về lạm phát. "Tôi chưa bao giờ thực sự lo lắng về lạm phát, nhưng tôi muốn theo sát vấn đề này và tôi muốn ông báo cáo cho chúng tôi về những gì đang xảy ra trong nền kinh tế", bà Waters đề nghị Chủ tịch Fed.