Trong phát biểu tại Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, diễn ra tại Hà Nội sáng nay, 30/3, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc gặp rất nhiều khó khăn do tác động về giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về mốc 30% và sau đó về 0% vào năm 2018.
Số lượng ô tô sản xuất năm 2017 trên địa bàn tỉnh giảm 20% so với năm 2016 và dự báo, năm 2018 vẫn có những khó khăn do các chính sách liên quan đến ngành ô tô. Do sản xuất ô tô trên địa bàn giảm, thu nội địa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng ảnh hưởng theo.
“Năm 2017, thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc đã hụt hơn 5.000 tỷ đồng”, ông Trì phát biểu.
Trao đổi cụ thể với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Trì cho hay, phần hụt thu này đến chủ yếu từ mặt hàng ô tô. Năm 2016 trước đó, thu nội địa của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 29.150 tỷ đồng trong tổng số hơn 32.000 tỷ đồng tổng thu ngân sách trên địa bàn. Trong phần thu nội địa nói trên, đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn chiếm khoảng 80%. Đặc biệt, các doanh nghiệp ô tô – xe máy có vốn đầu tư nước ngoài với các tên tuổi như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam cũng chiếm 80% đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, việc có chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô trong nước được ông Trì cho là sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đang có trên địa bàn Vĩnh PHúc như Toyota Việt Nam đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam.
Chính bởi vậy, việc có những chính sách phát triển sản xuất đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được ông Trì cho rằng rất quan trọng đối với một số tỉnh có hoạt động sản xuất ô tô như Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hải Dương, Ninh Bình.
Liên quan đến sản xuất ô tô tại Việt Nam, Bộ Tài chính vừa đã có văn bản ghi nhận ý kiến của của Tập đoàn Thành Công và Bộ Công Thương liên quan đến việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phần giá trị sản xuất trong nước cho ô tô.
Cụ thể, Tập đoàn Thành Công đã kiến nghị miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. “Đây là biện pháp đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia... hay Ấn Độ áp dụng từ khá lâu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu ra để có mức giá bán cạnh tranh”, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Hyundai Thành Công cho hay.