Trước đó, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành Công thương với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Thành Công đã kiến nghị miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. “Đây là biện pháp đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia... hay Ấn Độ áp dụng từ khá lâu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu ra để có mức giá bán cạnh tranh”, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Hyundai Thành Công cho hay.
Hiện tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô tại Việt Nam, ngoại trừ các loại xe tải dưới 7 tấn và xe khách từ 25 chỗ trở lên, còn khá thấp nên khó cho việc các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước xuất khẩu sang các thị trường lân cận. Để cải thiện tình hình này, giải pháp miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước là giải pháp rất tối ưu.
Theo Bộ Tài chính cho hay, trong thời gian xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung, cũng có ý kiến cho rằng nếu việc sửa đổi quy định là miễn thuế TTĐB cho phần giá trị trong nước, áp dụng đối với sản phẩm ô tô có thể sẽ vi phạm cam kết của WTO.
Chính vì thế, Bộ này hứa sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan có nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Trong kết luận mới đây về chính sách phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế; nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này; rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, có tính đến mối tương quan với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết quốc tế.
Trong kiến nghị của mình, Tập đoàn Thành Công cũng đề nghị áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện hành và miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với các cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Về các vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, các chế độ ưu đãi thuế quan và việc miễn giảm cho các doanh nghiệp sản xuất và sản phẩm đã có trong các quy định của pháp luật.
Ví như Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, có phần nêu rõ: Ngành nghề sản xuất công nghiệp hỗ trợ ô tô thuộc ngành nghề ưu đãi đặc biệt về đầu tư, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong Khoản 11, Điều 16. Luật Thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, các dự án đầu tư vào ngành nghề sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất.
Bên cạnh đó, thẩm quyền quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu thuộc Chính phủ nên Bộ Tài chính đã đề nghị Thành Công cung cấp chi tiết danh mục các nguyên, vật liệu trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất linh kiện, đồng thời hứa phối hợp với các bộ liên quan, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới.