Lý do để ông Đức đưa ra đề nghị này là theo quy định hiện hành tại điểm a khoản 1 Điều 7a và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, doanh nghiệp (người khai hải quan) thực hiện kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất thông thường theo quy định hiện hành và chưa được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% của nhóm 98.49.
Sau đó, theo điểm b khoản 3 Điều 7a, cơ quan Hải Quan sẽ tiến hành rà soát theo các điều kiện để áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo nhóm 98.49 và hoàn trả tiền thuế nhập khẩu chênh lệch cho doanh nghiệp.
Như vậy, giá vốn được các doanh nghiệp hạch toán tại thời điểm nhập khẩu phải được kê khai theo mức thuế suất hiện hành (bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế gia trị gia tăng) trong khi giá bán ra thị trường phải đảm bảo tính toán theo mức thuế suất ưu đãi để cạnh tranh.
Ông Lê Ngọc Đức trao đổi với báo chí bên hành lang |
Do vậy giải pháp phát hành bảo lãnh thanh toán thuế là tối ưu nhất trong trường hợp này giúp doanh nghiệp chủ động được dòng tiền và đảm bảo triển khai đúng mục tiêu của chính sách là phát triển sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hiện nay bảo lãnh thanh toán thuế chỉ có thời hạn tối đa là 30 ngày trong khi thời gian rà soát và hoàn trả thuế là sau mỗi 6 tháng (tối thiểu). Vì vậy việc áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế trong trường hợp này là không khả thi.
“Doanh nghiệp đề xuất nâng thời hạn bảo lãnh thanh toán thuế từ 30 ngày lên 8 tháng để đảm bảo giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp theo đúng mục tiêu của Nghị định 125/2017/NĐ-CP”, ông Đức nói.
Ngoài ra Công ty Hyundai Thành Công cũng kiến nghị miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. “Đây là biện pháp đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia... hay Ấn Độ áp dụng từ khá lâu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu ra để có mức giá bán cạnh tranh”, ông Đức cho hay.
Hiện tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô tại Việt Nam, ngoại trừ các loại xe tải dưới 7 tấn và xe khách từ 25 chỗ trở lên, còn khá thấp nên khó cho việc các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước xuất khẩu sang các thị trường lân cận. Để cải thiện tình hình này, giải pháp miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước là giải pháp rất tối ưu.
Đề nghị thứ 3 của Hyundai Thành Công là miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với các cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Giải pháp này sẽ giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất linh kiện trong và ngoài nước. Với việc được tối ưu hóa chi phí đầu vào, các nhà sản xuất linh kiện sẽ có thể cung cấp ra thị trường những linh kiện nội địa hóa với mức giá cạnh tranh hơn so với các linh kiện nhập khẩu. Từ đó sẽ dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, góp phần giảm chi phí sản phẩm xe sản xuất lắp ráp trong nước, nâng cao dung lượng thị trường, giúp các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng trong nước tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư và sản xuất trong nước.